Luật sư Trần Khánh Thương

Đối tượng tham gia BHXH và BHYT bắt buộc

Có được ký HĐLĐ với người đang hưởng lương hưu không? Đối tượng tham gia BHXH và BHYT bắt buộc; Công ty không đóng bảo hiểm giải quyết thế nào?

 

Có được ký HĐLĐ với người đang hưởng lương hưu không?

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Cty tôi (Cty TNHH 1TV do nhà nước làm chủ sở hữu) có 1 trường hợp: Có 1 nhân viên sau khi nghỉ việc tại Cty và dược cty trả trợ cấp thôi việc (lý do là suy giảm sức khỏe). Sau đó nhân viên này đi giám định Y khoa với kết quả là suy giảm 62% và đã được cơ quan BHXH trả lương hưu. Sau 2 tháng nhận lương hưu thì nhân viên này có đơn xin làm việc gửi Cty (Trong thời gian này Cty đã chuyển sang Công ty cổ phần nhà nước nắm giữ 62%). - Trong trường hợp này Cty nhận nhân viên này vào làm việc có được không (với chức danh là Phụ trách kế toán hoặc Kế toán trưởng (Vì hiện tại Cty đang khuyết Kế toán trưởng)?. - Nếu nhận vào thì với hình thức ký hợp đồng lao động hay bổ nhiệm? Xin Tổng đài Tư vấn Pháp luật giúp đỡ, tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn:

 
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn như sau:
 

Điều 167. Sử dụng người lao động cao tuổi - Bộ luật lao động 2012 quy định như sau: 

"1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động..."

Như vậy, khi người lao động đã đủ điều kiện về hưu trí và đang hưởng lương hưu hàng tháng, nếu có nhu cầu thì 2 bên có quyền giao kết hợp đồng lao động mới. Việc giao kết HĐLĐ mới và các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về sử dụng người lao động cao tuổi. 

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - BLLĐ 2012 quy định:

"...3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định."

Như vậy, ngoài việc hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định của Luật BHXH 2014, thì khi giao kết HĐLĐ, công ty có trách nhiệm trả một khoản tiền tương ứng với tỷ lệ tham gia BHXH trực tiếp vào lương cho người lao động. 


Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
 

1 |==========================

Công ty không đóng bảo hiểm giải quyết thế nào?

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Kính thưa Luật sư! tôi có vấn đề cần tư vấn về lĩnh vực lao động, BHXH như sau: Tôi làm việc cho công ty từ tháng 5/2013 đến nay nhưng công ty không ký hợp đồng lao động (công việc là nhân viên văn phòng) và không đăng ký mua các khoản bảo hiểm bắt buộc cho tôi. Đến nay tôi muốn xin nghỉ việc tôi có quyền yêu cầu công ty chi trả các khoản trợ cấp cho tôi như chế độ mà cơ quan BHXH chi trả hay không? Nếu công ty không đồng ý chi trả thì tôi có quyền khởi kiện không? sau khi khởi kiện thì tôi được hưởng các chế độ như thế nào?

 

Trả lời tư vấn:

 
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:
 
Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp - Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định như sau: 
 

"...3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

Như vậy, nếu anh/chị thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (giao kết HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên) mà công ty không thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đồng thời buộc truy thu số tiền không đóng BHXH. Theo đó, trong trường hợp này công ty và anh/chị sẽ cùng thực hiện việc truy thu tiền BHXH chưa đóng. Khi truy thu xong thì sẽ coi như bạn có tham gia BHXH như thông thường. 

Trong trường hợp bạn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điề 2 Luật BHXH 2014 thì công ty có trách nhiệm trả một khoản tiền tương ứng với tỷ lệ tham gia BHXH vào lương cho anh/chị. 

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Bộ luật lao động 2012 quy định: 

 

"...3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định."

Anh/chị có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến công ty yêu cầu giải quyết các vấn đề trên. Nếu công ty không giải quyết thỏa đáng, anh/chị có thể gửi đơn đến Thanh tra-Sở lao động Thương binh xã hội nơi Công ty đặt trụ sở. 


Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

Ngoài ra, Anh/chị có thể tham khảo thêm qua một số văn bản pháp luật sau đây có quy định và hướng dẫn đối với trường hợp của anh chị:Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13Nghị định số 95/2013/NĐ-CP 

 

2 |==========================

Đối tượng tham gia BHXH và BHYT bắt buộc

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Chào Luật Minh Gia. Mình có 1 câu hỏi, mình đang làm BHXH, BHYT cho nhân viên và quản lý của công ty.
1. Giám đốc (GĐ) của công ty hiện nay đã 59 tuổi, và trước đây không có đóng BHXH, vậy thì bây giờ mình có cần phải làm hồ sơ đóng BHXH cho GĐ không? vì nếu đóng thì cũng không đủ thời hạn để được tính lương hưu, vậy mình có thể chuyển tiền đóng BHXH sang tiền lương được không?
2. Đồng thời, GĐ của mình cũng đã đăng ký BHYT tự nguyện trước đây và có thời hạn là 1 năm, nên bây giờ mình cũng sẽ không làm hồ sơ làm BHXH cho ông ấy đúng không ạ? vậy thì mình có trừ tiền tham gia BHXH, BHYT vào tiền lương theo mức đóng của người lao động không al? mong giải đáp thắc mắc giúp mình. cám ơn.

 

Trả lời tư vấn:

 
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:
 
Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội.
 
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định, một trong các đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
 
Căn cứ vào quy định trên, giam đốc công ty bạn vẫn thuộc đối tượng người lao động, có tham gia làm việc và hưởng lương, thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH. Dù sau khi đóng không đủ điều kiện nghỉ hưu thì công ty vẫn có nghĩa vụ phải đóng. VIệc chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp vào lương chỉ thực hiện khi giám đốc công ty bạn thuộc một trong hai đối tượng: đang hưởng lương hưu nhưng vẫn ký kết hợp đồng lao động hoặc giám đốc làm ở nhiều công ty và đã tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty trước công ty bạn. Nếu không thuộc hai đối tượng trên thì công ty bạn vẫn phải tham gia đóng BHXH cho giám đốc.
 
Thứ hai, về bảo hiểm y tế.
 
Bạn cần phân biệt giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Việc giám đốc công ty bạn tham gia BHYT tự nguyện, không ảnh hưởng đến việc công ty có tham gia BHXH cho GĐ hay không? Hiện nay, quy định về bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện trên thực tế, bởi mức tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện khác nhau. Khi GĐ bạn đã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, hiện giờ GĐ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì GĐ bạn vân phải tham gia BHYT tại công ty, đồng thời làm thủ tục trả thẻ BHYT tự nguyện lại cơ quan bảo hiểm, giám đốc bạn sẽ được hoàn lại tiền BHYT tương đương với thời gian còn lại của thẻ BHYT. Công ty bạn vẫn phải đóng BHYT cho Giám đốc.
 
Như vậy, Giám đốc bạn thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHTN và BHYT bắt buộc, công ty thực hiện hồ sơ đóng như bình thường. Nếu công ty không đóng, khi bị thanh tra, có thể bị xử phạt hành chế về hành vi của công ty.
 
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
 

3 |==========================

Các loại HĐLĐ và đối tưởng phải BHXH bắt buộc

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Tôi đang công tác tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của một huyện. Hiện trung tâm có hợp đồng lao động. Một là bảo vệ, một là vệ sinh, hợp đồng được ký kết có thời hạn 1 năm, hai trường hợp này không tham gia đóng BH. Vậy tôi muốn hỏi trung tâm có được phép ký HĐ lao động một năm hay ko?Xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:
 
https://luatminhgia.com.vn/hoi-dap-lao-dong/cac-loai-hop-dong-lao-dong-theo-quy-dinh-tai-bo-luat-lao-dong.aspx
 
Theo đó, phía trung tâm bồi dưỡng chính trị có thể dựa vào tính chất công việc để thỏa thuận với người lao động về việc sẽ kí kết loại hợp đồng. Trường hợp này phía trung tâm có thể thỏa thuận kí HĐLĐ có thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì HĐLĐ có thời hạn 3 tháng trở lên là đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. 
 
Vì vậy, trường hợp này phía trung tâm có thể giao kết HĐLĐ có thời hạn 1 năm đối với 2 người lao động trên và phải đóng BHXH bắt buộc cho họ. Trường hợp trung tâm giao kết HĐLĐ có thời hạn 1 năm mà không tham gia BHXH bắt buộc cho 2 người lao động là vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

Ngoài ra, Anh/chị có thể tham khảo thêm qua một số văn bản pháp luật sau đây có quy định và hướng dẫn đối với trường hợp của anh chị:
 
https://luatminhgia.com.vn/luat-bao-hiem-xa-hoi-so-58-2014-qh13.aspx
 
https://luatminhgia.com.vn/luat/bo-luat-lao-dong-so-10-2012-qh13-ngay-18-6-2012.aspx
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đối tượng tham gia BHXH và BHYT bắt buộc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo