Trần Phương Hà

Bảo hiểm xã hội bắt buộc? Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì? Những đối tượng nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định như thế nào? Trường hợp công ty không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động thì giải quyết ra sao? Tất cả những vấn đề trên được Luật Minh Gia tư vấn cụ thể như sau:

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Hiện nay, Nhà nước ta đã có những quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, tạo cơ sở cho việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hộ, ngày càng đáp ứng nhu cầu của ngươi lao động nói riêng và toàn dân nói chung.

- Theo quy định thì Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

- Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động, người lao động còn gặp nhiều vướng mắc. Phần lớn người lao động không nắm được các quyền lợi của bản thân khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và gặp khó khăn trong việc xác định mình có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hay không?

- Trường hợp bạn cũng đang gặp phải khó khăn như trên hoặc những vấn đề khác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, lĩnh vực lao động thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn dưới đây về bảo hiểm xã hội bắt buộc và đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật

Câu hỏi:

Thưa luật sư, cho tôi hỏi về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: Tôi có ký hợp đồng lao động làm công tác ủy nhiệm thu thuế phường thuộc Thành phố X từ năm 2007 đến nay. Hợp đồng lao động của tôi ba năm đầu tiên thì ký thời hạn 1 năm một, còn các năm về sau ký 3 tháng một - Có thuộc diện được đóng bảo hiểm bắt buộc không? Quy định thế nào nhờ giải đáp giúp tôi, tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH quy định:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”

Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp: Bạn làm việc theo chế độ hợp đồng là hợp đồng xác định thời hạn (1 năm), hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn 3 tháng. Do đó, bạn thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

-----

3. Giải đáp thắc mắc về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Câu hỏi:

Chào luật sư Minh Gia. E hỏi a một chút,mong a giúp đỡ: E đã có sổ BHXH, nay em đang ngừng đóng, để chuyển sang làm chỗ đơn vị khác. ở đây, a chủ nói: Anh ấy không  thành lập công ty, nhưng hoạt động như một công ty, nhân viên hiện nay có 07 người, nhưng sau 03 tháng làm việc, nếu ai muốn đóng BHXH, thì a ấy vẫn đóng cho như quy định bảo hiểm Việt Nam hiện nay giống như các công ty.

Vậy anh cho em hỏi, nếu anh ấy đóng cho nhân viên thì anh ấy sẽ đóng kiểu gì khi không có giấy phép kinh doanh và cách thức đóng của a ấy như thế nào để nhân viên được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm XH giống như ở công ty khác , hay như pháp luật BHXH Việt Nam quy định. Mong phản hồi của luật sư, em cảm ơn a!

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạnchị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Về đối tượng áp dụng của luật bảo hiểm xã hội

Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định Đối tượng áp dụng như sau"

"1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

...

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Theo đó, đối tượng tham gia BHXH là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hợp pháp. Trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, nơi làm việc mới của bạn không có đăng ký kinh doanh theo loại hình doanh nghiệp nào theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Vì vậy, trường hợp của bạn sẽ không có căn cứ để báo tăng tham gia BHXH.

---

4. Tính thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Câu hỏi:

Xin được hỏi luật sư như sau: Tôi công tác tại UBND phường từ 1-1-1986 làm Trưởng ban văn hóa thông tin đến năm 1993 tôi chuyển sang làm Bí thư đoàn xã cho đến hết năm 1996. Năm 1997 đến năm 1999 tôi được điều động sang làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Từ năm 2000 đến nay tôi làm Trưởng ban tài chính xã-cán bộ văn hóa phường-CT UBMTTQ phường. Nhưng bảo hiểm chỉ được tính từ năm 2000 đến nay. Thời gian từ năm 1986 đến năm 1999 tôi bị cắt vì gián đoạn 3 năm (1997-1999) làm phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp.

Vậy tôi muốn hỏi thời gian từ năm 1986 đến năm 1996 tôi có được nối vào thời gian đóng bảo hiểm không. Tôi trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của anh, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

- Về thời gian làm việc tính đóng bảo hiểm xã hội

Căn cứ tại Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

...”

Như vậy, theo quy định trên thì thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Đối chiếu trường hợp của anh, thời gian anh làm việc từ năm 1986 đến ngày trước ngày 01 ngày 01 năm 1995 nếu khi anh nghỉ việc mà chưa được chế độ trợ cấp thôi việc thì thời gian này được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 3 Nghị định 12-CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 (văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995) về việc Ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội quy định:

Điều 3.- Các đối tượng sau đây phải áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này:

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp; trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang;

Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Công chức, viên chức Nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Các đối tượng trên đi học, thực tập, công tác điều dưỡng trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các đối tượng quy định trên gọi chung là người lao động.

Do thông tin anh cung cấp chưa đầy đủ, vì vậy anh cần đối chiếu trường hợp của mình theo quy định nêu trên, nếu anh thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì anh sẽ thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và cơ quan nơi anh làm việc sẽ có trách nhiệm tham gia cho anh từ ngày 01/01/1995 đến hết năm 1996. Trường hợp, nếu anh thuộc đối tượng đóng mà trong thời gian này đơn vị không đóng cho anh thì anh có thể đề nghị đơn vị gửi công văn đến cơ quan bảo hiểm xã hội để yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội truy thu bảo hiểm xã hội đối với thời gian trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo