Đối tượng, điều kiện được áp dụng nâng lương thường xuyên theo Thông tư 08/2013/TT-BNV?
Hiện nay, vấn đề xét điều kiện nâng lương tại một số cơ quan, đơn vị chưa có sự thống nhất về việc áp dụng quy định, do đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ quan đó. Do đó, nếu bạn gặp vấn đề này và chưa nắm được các quy định pháp luật, cần Luật sư hỗ trợ thì bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp.
1. Làm việc theo hợp đồng trong cơ quan nhà nước có được nâng lương thường xuyên không?
Hỏi: Tôi làm công tác từ năm 1994 đến năm 2017 hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đến năm 2012 tôi được tăng lương ngạch lương đang hưởng: tương đương Kỹ sư, mã số: 13.095, bậc 3/9, hệ số 3,00, nâng bậc 4/9, hệ số 3,33 từ ngày 1/01/2012 thời điểm nâng lương lần sau được tính từ ngày 01/01/2012, nhưng đến nay ko được tăng lương, năm nào tôi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được huyện thưởng lao động tiên tiến. Tôi xin hỏi luật sư như trường hợp của tôi có được tăng lương không? Xin cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định như sau:
"Điều 1. Phạm vi và đối tượng
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã) và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
- Công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát);
- Cán bộ cấp xã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 và công chức cấp xã quy định tại Điểm 3 Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây gọi là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP).
b) Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.".
Căn cứ quy định trên và đối chiếu với trường hợp của bạn thì bạn làm việc theo hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, nên thuộc đối tượng được nâng lương thường xuyên theo quy định của Thông tư số 08/2013/TT-BNV. Vì vậy khi bạn đủ điều kiện theo Điều 2 Thông tư này thì sẽ được nâng lương thường xuyên.
2. Thời gian nghỉ không hưởng lương có được tính để xét nâng lương thường xuyên không?
Hỏi: Chào văn phòng luật sư, mình có 1 chút thắc mắc mong muốn được các bạn tư vấn như sau: Mẹ mình là giáo viên trung học, xin nghỉ không lương 2 năm, tới tháng 8 năm nay mẹ mình mới đi làm lại. Tới tháng 12 thì nhà trường có xét tăng lương định kỳ, nhưng mẹ mình không được xét, mà được chuyển vào danh sách tăng lương không theo định kì. Vậy mình muốn hỏi là: Việc không tăng lương định kỳ cho mẹ mình là đúng hay sai? Và dựa trên quy định nào? Mình xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV về chế độ nâng bậc lương thường xuyên như sau:
"Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:
1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:
a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:
- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;
- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng".
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên. Do đó, việc cơ quan, đơn vị không tính thời gian nghỉ không hưởng lương của mẹ bạn để tính xét nâng bậc lương thường xuyên là phù hợp quy định pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất