Trần Tuấn Hùng

Đòi tiền lương khi làm việc nhưng không giao kết hợp đồng lao động

Luật sư tư vấn về vấn đề người lao động đi làm việc nhưng không ký kết hợp đồng lao động và nghỉ việc không được trả lương thì phải làm như thế nào? Cụ thể như sau:

 

Em là sinh viên năm 3 hệ cao đẳng nghành cơ khí còn 7 tháng là ra trường em có ra các công ty cơ khí tư nhân quanh trường tìm việc làm thêm để nâng cao tay nghề. Khi vào lm ở cty A xin vào làm gồm nhóm 3 bạn cùng vào làm. Khi vào làm bọn em không có kí hợp đồng lao động. Chỉ thảo thuận bằng miệng A giám đốc nói thử việc 1tháng lương sau 1 tháng xem xét tăng lương. Sang tháng 2 tăng lên 3 triệu, làm được 3 tháng thì 2 bạn kia nghỉ 1ngày không xin phép thì bị cho nghỉ luôn với lí do nghỉ tự do không xin phép. Thực chất là cty đang hết việc cho công nhân làm thì lấy lí do  đó. Sau khi đuổi 2 ban đó thì giữ lại em  và trả luong làm 170k/1ngày trong 1tháng, xong sang tháng sau lại nâng lên 180k/1ngay  . Sau đó em làm thêm ở đó đk hơn 1tháng 12 ngày nữa thì em về trường thi tốt nghiệp. Em gọi điện thông báo anh giám đốc nghỉ 10 ngày về trường ôn thi tốt nghiệp xong anh hỏi kế hoạch sau khi thi tốt nghiệp xong. Thì em bảo em thi xong đã, xong em sẽ thông báo, khi thi tốt nghiệp xong em quay lại cty xin nghỉ luôn. Thì lương của em tháng đó có trả và còn 12 công của tháng sau =2tr4 thì lại không thanh toán cho em với lí do nghỉ không kế hoạch thông báo trước. Vậy luật sư cho em hỏi cty có trách nhiệm phải chi trả ngày công em làm cho em không ạ. Em làm không có hợp đồng lao động với công ty chỉ thỏa thuận với nhau. Cty cũng lấy lí do nghỉ không xin phép để đuổi 2 bạn kia vì không có hợp đồng ràng buộc nên 2 bạn kia phải nghỉ. Giờ em nghỉ cty cũng lấy lí do nghỉ không có kế hoạch không xin trước để không trả lương 12 ngày công của em Em không có hợp đồng lao động với công ty như 2 bạn kia, nhưng em nghỉ lại bắt lỗi nghỉ không thông báo trước. Ông giám đốc cũng cho 2 bạn kia nghỉ đột ngột không thông báo trước. Em với các bạn vào làm chỉ thỏa thuận bằng miệng. Em nghỉ em cũng đến thông báo nghỉ ông gián đốc cũng cho nghỉ xong đến ngày trả lương lại không thanh toán lương trả em. Em làm cũng được  5 tháng với 12 ngày. Luật sư giải đáp giúp em ạ.. Em cám ơn. 

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, đối với trường hợp tranh chấp khi hai bên không giao kết hợp đồng lao động

 

Tại Điều 18 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:

 

"Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

 

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.”

 

Mặt khác, tại Điều 16 Bộ luật lao động 2012 quy định về Hình thức hợp đồng lao động như sau:

 

"1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

 

Như vậy, bạn làm việc trong thời gian dài và công việc mang tính chất thường xuyên lâu dài nên Công ty của bạn phải có nghĩa vụ giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn nhưng công ty đã không ký kết nên đã vi phạm quy định pháp luật về lao động.

 

Khi vi phạm về việc giao kết hợp đồng như trên, công ty của bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Thứ hai, về tiền lương những ngày bạn làm mà công ty không trả

 

Bạn vẫn có quyền yêu cầu công ty thanh toán cho mình tiền lương những ngày đã làm kể cả khi bạn và công ty không tồn tại quan hệ lao động .Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định bộ luật lao động 2012 thì việc giải quyết tranh chấp luôn phải : Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động và việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

 

Vậy, khi giải quyết tranh chấp lao động giữa bạn và công ty của bạn, bạn hoàn toàn có quyền đưa ra yêu cầu công ty trả cho bạn một khoản tiền mà theo bạn là thỏa đáng vì đã xâm phạm đến lợi ích của bạn. Nếu hai bên có thể dàn xếp và thương lượng được về khoản bồi tiền này thì việc thương lượng đó vẫn được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tôn trọng.

 

Căn cứ theo các Điều 5, Điều 6, Điều 15 của Nghị định 119/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo thì khi công ty của bạn có hành vi vi phạm pháp luật lao động và xâm phạm đến quyền, lợi ích của bạn thì bạn có quyền gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp lần đầu đến chính công ty của bạn. Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty hoặc đã hết thời hạn khiếu nại lần đầu thì bạn có thể khiếu nại lần hai lên Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty của bạn đặt trụ sở chính. Nếu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn khiếu nại lần hai thì bạn có quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại và văn bản liên quan hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án nơi công ty của bạn đặt trụ sở chính.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169