Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đòi nợ và gây rối trật tự công cộng có vi phạm luật không?

Luật sư tư vấn về việc đi đòi nợ và có những hành vi gây rối trật tự công cộng có bị xử lý theo luật hình sự không? Vấn đề này quy định chi tiết như sau:

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn như sau: Vào tháng 10 năm 2012, bà A có đến nhà mẹ em mượn số tiền là 4.000.000 đồng ( bốn triệu đồng chẵn) nhưng không có viết giấy mượn, hẹn đến tháng 12 năm 2013 sẽ trả hết tiền. Tháng 10 năm 2013, ông T ( chồng bà A) có trả cho mẹ em được  1.000.000 đồng (một triệu đồng chẵn). Đến tháng 02 năm 2014, bà A vẫn không chịu trả số nợ còn lại cho mẹ em.

Lúc 15 giờ 30 ngày 14 tháng 02 năm 2014, mẹ em có đến nhà bà A để đòi lại số tiền trên. Bà A đã không trả tiền cho mẹ mà còn dùng những lời lẽ chửi bới, lăng mạ mẹ đồng thời còn xông vào đánh mẹ ( bị xước ở mặt và bị bầm mắt). Trong lúc đó, bố của bà A ôm giữ tôi để cho bà A đánh mẹ em. Khi sự việc xảy ra có nhiều bà con ở gần đến xem và làm chứng.

Lúc 9 giờ sáng ngày 15 tháng 02 năm 2014, mẹ cùng chị gái em đến nhà ông bố bà A để yêu cầu đưa mẹ em đi điều trị. Nhưng ông ấy không chịu trách nhiêm việc này, còn lấy nước sôi tạt vào chân chị em. Chị em quá đau nên đã ngã vào người ông ấy, cùng lúc ấy có mấy người họ hàng bên nhà bà A đã xông vào.

Bố bà A đã gọi báo công an. Vậy cho em hỏi. Những người trong cuộc gây rối này có bị tội gì không? Nhà em có lấy lại được không?

Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

I. Về việc lấy lại khoản tiền mẹ bạn đã cho vay

Theo thông tin bạn trình bày thì tháng 10 năm 2012 bà A có vay của mẹ bạn 4.000.000đ, hai bên không lập hợp đồng vay bằng văn bản nhưng bà A có hứa đến tháng 12/2013 sẽ trả nợ. Tháng 10/2013, thông qua ông chồng, bà A đã trả cho mẹ bạn 1.000.000đ và còn nợ lại 3.000.000đ nhưng đến nay chưa trả. Xét những tình tiết trên chúng tôi thấy rằng vụ việc trên chưa có dấu hiệu hình sự mà chỉ là một giao dịch thông thường. Do đó, để lấy lại số tiền trên, mẹ bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bà Sự đang cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp này, mẹ bạn phải chứng minh được có hợp đồng vay tiền (bằng miệng) giữa hai bên, số tiền bà Sự đã trả và số tiền chưa trả.

II. Về hành vi gây gổ, đánh nhau của mẹ bạn và những người liên quan

Hành vi đánh nhau, dùng lời nói thô bạo, khiêu khích xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được coi là gây rối trật tự công cộng.

Do thông tin bạn trình bày chưa cụ thể nên chúng tôi không nắm được khi tới đòi tiền mẹ bạn có những hành động hay lời nói xúc phạm đối phương hay không. Đồng thời, chưa có kết quả giám định sức khỏe của mẹ bạn và những người bị thương khác nên chúng tôi tạm chia ra hai trường hợp để bạn tiện theo dõi.

1. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức truy cứu Trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì:

- Người có một trong những: cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

- Người có một trong các hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; để gia súc hoặc các động vật khác gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Ngoài ra, người để gia súc hoặc các động vật khác gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do gia súc hoặc các động vật khác gây ra.

2. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng đủ điều kiện cấu thành tội phạm:

Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Bạn tham khảo nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi nợ và gây rối trật tự công cộng có vi phạm luật không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Trân trọng.

P. Luật sư tranh tụng - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169