Đòi nợ thuê có vi phạm pháp luật không?
Mục lục bài viết
1. Đòi nợ thuê là gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về đòi nợ thuê. Đòi nợ thuê có thể hiểu là việc một bên thứ ba được chủ nợ (tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ) thuê theo hợp đồng dịch vụ để đòi khách nợ (tổ chức kinh tế, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ) đối với những khoản nợ quá hạn. Nợ quá hạn là nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ khi đã quá thời hạn phải thanh toán theo thoả thuận giữa chủ nợ và khách nợ hoặc đã quá thời hạn phải thanh toán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên thực tế, có thể phân loại đòi nợ thuê theo 02 hình thức: (i) Đòi nợ kiểu “xã hội đen” và (ii) Đòi nợ pháp lý.
Đòi nợ “xã hội đen” được hiểu là khi phát sinh một khoản nợ quá hạn, khó đòi thì người chủ nợ không sử dụng các biện pháp theo quy định pháp luật mà sẽ thuê những đối tượng “có máu mặt” trong xã hội để thay mình đứng ra đòi khách nợ. Những đối tượng này thường dùng các biện pháp như nhắn tin khủng bố, đe dọa đánh đập, phá hoại tài sản, đổ chất bẩn vào nhà… để uy hiếp khách nợ phải trả tiền. Các hành vi trên đều là hành vi trái pháp luật, người thực hiện các hành vi đó tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình thức đòi nợ kiểu “xã hội đen” bị pháp luật nghiêm cấm.
Đòi nợ pháp lý là một cách đòi nợ hợp pháp, tuân thủ theo các quy định pháp luật. Theo Luật Đầu tư năm 2014 thì dịch vụ kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một nghành nghề kinh doanh có điều kiện. Doạnh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định, các tiêu chuẩn của người quản lý và giám đốc, tiêu chuẩn đối với người lao động và phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.
2. Đòi nợ thuê có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/1/2021) đã bổ sung ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, hiện nay hoạt động đòi nợ thuê dù là theo hình thức nào đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
“Điều 7. Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê.
3. Đòi nợ thế nào cho hợp pháp?
Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ nợ cho khách nợ vay tiền mà đến thời hạn chưa trả, trả chưa đủ thì hai bên có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc gia hạn thời hạn trả nợ. Trường hợp không thỏa thuận được thì chủ nợ có quyền khởi kiện khách nợ đến Tòa án nhân dân nơi khách nợ đang cư trú để yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận/ hợp đồng giữa các bên.
Trường hợp chủ nợ muốn cho người khác đòi nợ thay thì có thể thực hiện theo 02 cách sau:
Thứ nhất, ủy quyền cho người khác đòi nợ
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) về đại diện theo ủy quyền như sau:
“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Theo đó, chủ nợ có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thay mình thực hiện việc đòi nợ khách nợ. Người nhận ủy quyền được thực hiện các công việc trong phạm vi nội dung văn bản ủy quyền và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện (chủ nợ).
Căn cứ quy định tại Điều 562 BLDS về Hợp đồng ủy quyền như sau:
“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Theo quy định trên, chủ nợ và người được ủy quyền đòi nợ có thể thỏa thuận với nhau về chi phí thù lao để thực hiện công việc theo văn bản ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định thì chủ nợ không phải trả thù lao cho người được ủy quyền đòi nợ.
Thứ hai, chuyển giao quyền yêu cầu đòi nợ
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 365 BLDS về chuyển giao quyền yêu cầu như sau:
“Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.”
Theo quy định trên, trường hợp giữa chủ nợ và khách nợ không có thỏa thuận rằng không được chuyển giao quyền đòi nợ thì chủ nợ có quyền chuyển giao quyền đòi nợ cho người khác. Người nhận chuyển giao quyền đòi nợ gọi là người thế quyền và trở thành bên có quyền đòi nợ. Chủ nợ chuyển giao quyền đòi nợ không cần sự đồng ý của khách nợ nhưng phải thông báo cho khách nợ bằng văn bản biết về việc đã chuyển giao quyền đòi nợ cho người khác.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất