Đòi lại tài sản xin việc không thành làm thế nào?

Xin chào luật sư. Xin luật sư giải đáp giúp tôi nội dung sau đây: Năm 2013, bạn tôi giới thiệu là lo được việc vào trong ngành lực lượng vũ trang với những trường hợp không thi đỗ với giá 400 triệu đồng.Do tin tưởng là chỗ bạn bè gia đình tôi đã đồng ý lo vào ngành cho con tôi và đã đưa cho bạn tôi 400 triệu đồng nhưng không viết giấy tờ biên nhận.bạn tôi hứa đến cuối năm 2013 thì con tôi sẽ được đi học

Đợi đến cuối 2013 vẫn không thấy lo được , tôi có gặp gỡ nhiều lần và trao đổi, thấy có biểu hiện nghi ngờ mình bị anh bạn kia lừa đảo. đến cuối năm 2014 bạn tôi xuống nhà trả cho tôi 30 triệu đồng, tôi đã ghi âm cuộc đàm thoại này và bạn tôi hứa sẽ trả tôi sau, tiếp sau đó trao đổi qua điện thoại đòi tiền tôi đã ghi âm lại, tôi đã đòi nhiều lần bạn tôi có ý đồ chốn tránh không muốn gặp tôi. Đến cuối năm 2015 tôi đã gặp được trực tiếp bạn tôi để đòi tiền thì bạn tôi bảo tôi lấy căn cứ gì mà bảo bạn tôi cầm tiền của tôi. Sau đó tôi gửi đơn ra cơ quan cảnh sát điều tra nơi bạn tôi công tác , tôi đã cũng cấp băng ghi âm và bản dịch ghi âm, qua xác minh bản dịch và giám định giọng nói giữa tôi và bạn tôi đã có kết quả, kết luận của viện khoa học hình sự - Bộ Công An ,băng ghi âm của tôi là đúng ,không có cắt dán,ghép, giám định giọng nói là đúng với nội dung tôi đề nghị, tôi đã nhận được kết luận của thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra là bạn tôi cầm tiền của tôi là ĐÚNG với nội dung tôi tố cáo, đến tháng 5/2016 giám đốc công an tỉnh đã có quyết định cho bạn rôi ra quân về địa phương và cơ quan cảnh sát điều tra hương dẫn tôi làm đơn gửi sang công an tỉnh để giải quyết tiếp theo, vì bạn tôi không còn hô khẩu thường trú tại cơ quan công tác . Xin luật sư tư vấn trong trường hợp này cơ quan cảnh sát điều tra hướng dẫn tôi làm đơn sang công an tỉnh có đúng không? Việc này tôi nên gửi đơn ra tòa hay ra cơ quan cảnh sát điều tra . nếu bạn tôi bị khởi tố thì bạn tôi có vi phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản , hay tôi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Có người nói tôi sẽ lien đới trách nhiệm đến tội đưa hối lộ có đúng không. Xin chân thành Luật sư và mong luật giúp sớm có lời giải đáp giúp tôi !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

I. Về việc gửi đơn tố cáo:

 

Các tội chiếm đoạt tài sản nằm ở chương XIV Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBTVQH11 về tổ chức điều tra hình sự quy định:

 

"Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân."

 

Như vậy, cơ quan điều tra nơi bạn của bạn công tác hướng dẫn bạn nộp đơn tố cáo tới cơ quan điều tra cấp tỉnh là không chính xác. Nếu muốn tố cáo, bạn hãy gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra cấp huyện nơi bạn sống.

 

II. Về việc có nên tố cáo không:

 

Trong một vụ án có cả yếu tố hình sự và yếu tố dân sự thì Nhà nước sẽ ưu tiên xử lý trách nhiệm hình sự trước trách nhiệm dân sự. Do vậy, thời gian thu hồi tài sản của bạn sẽ lâu hơn khi bạn tố cáo ra Cơ quan điều tra.

 

Với lý do như vậy, tôi tư vấn bạn thực hiện các bước theo thủ tục như sau:

 

Thứ nhất, bạn hãy đến thỏa thuận với B để thu hồi tài sản, nếu B không đồng ý trả, bạn có thể cảnh báo về trách nhiệm hình sự B có thể gánh chịu khi bạn tố giác hành vi ra Cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát. Cụ thể, bạn nói hành vi của B rơi vào điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trước khi bạn đưa tiền B đã tự nhận lo được cho nên là lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không thể là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được) như sau:

 

"Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;"

 

Nếu B vẫn không đồng ý trả, bạn có thể thực hiện tùy theo những trường hợp sau:

 

a) Trường hợp 1: Trong những bằng chứng của bạn chỉ xác nhận việc B cầm tiền của bạn chứ không đề cập tới nội dung thỏa thuận trước đó giữa bạn và B (thỏa thuận đưa tiền cho B để giúp con bạn có việc):

 

Với trường hợp này, bạn hãy viết đơn kiện ra Tòa với lý do B đã vi phạm hợp đồng dân sự. Cụ thể, bạn đã cho B vay 400 triệu trong một hợp đồng vay tài sản có thời hạn không quy định lãi suất. Đến thời hạn trả nợ, bạn yêu cầu B thực hiện nghĩa vụ nhưng B không thực hiên đầy đủ (có bằng chứng cuối năm 2014 B trả bạn 30 triệu để chứng minh đã đến thời hạn trả nợ).

 

Ngoài ra, theo Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 về lãi suất như sau:

 

"1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

 

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

 

Khoản 4 và 5 Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định về nghĩa vụ trả nợ của người vay như sau:

 

"4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

 

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

 

Tóm lại, tại trường hợp này nếu kiện ra Tòa, bạn sẽ đòi lại được tài sản và nếu muốn có thể nhận được khoản lãi từ hợp đồng vay tài sản.

 

b) Trường hợp 2: ​Những bằng chứng của bạn có đề cập tới nội dung thỏa thuận trước đó giữa bạn và B:

 

Tại trường hợp này, bạn tố cáo hành vi của B ra Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ điều tra và tùy trường hợp mà khởi tố vụ án với những tội danh khác nhau. Cụ thể:

 

Nếu họ xác định B không đưa tiền cho ai cả thì hành vi của B sẽ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, trường hợp này bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Nếu họ xác định B có đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn thì hành vi của B sẽ bị truy cứu về tội môi giới đưa hối lộ, còn bạn sẽ bị truy cứu về tội đưa hối lộ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi lại tài sản xin việc không thành làm thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Vũ Hà Phan - Công ty Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169