Doanh nghiệp có được giữ giấy tờ của người lao động?
Nội dung tư vấn 1: Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được "Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động". Nhưng nếu trong trường hợp các giấy tờ, văn bằng này phát sinh trong quá trình người lao động làm việc tại công ty, được công ty cử đi đào tạo và công ty chi trả toàn bộ chi phí, thì công ty có quyền giữ lại hay không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
"1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động
…”
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“...3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
...”
Căn cứ theo quy định trên, công ty của bạn không được giữ giấy tờ, chứng chỉ, văn bằng của người lao động bao gồm cả trường hợp các giấy tờ, văn bằng này phát sinh trong quá trình người lao động làm việc tại công ty, được công ty cử đi đào tạo và công ty chi trả toàn bộ chi phí. Trường hơp công ty giữ các bản chính giấy tờ của người lao động thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm trả lại cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Hành vi người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động có thể bị xử phạt 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng ( mức phạt đối với cá nhân) và xử phạt 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng ( mức phạt đối với tổ chức) quy định tại khoản 1 Điều 6 và điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Nội dung tư vấn 2: Em là viên chức thuộc biên chế của nhà nước công tác tại một Trung tâm thuộc đơn vị sự nghệp dưới sự quản lý của Ủy ban nhân dân huyện, chuyên ngành của em là cao đẳng sư phạm mỹ thuật. Làm việc tại Trung tâm em chuyên thiết kế pa nô, áp phích, tranh cổ động trực quan, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị. qua 5 năm công tác, do điều kiện kinh tế khó khăn, lương thấp, khối lượng công việc nhiều. Nay em muốn xin nghỉ công tác, hoặc xin nghỉ để đi học ngành khác có được không ạ? nếu được thì em đi theo ngành gì là phù hợp? nếu vậy thì em có phạm vào Điều gì trong bộ luật LĐ không? nếu em nghỉ hẳn thì có được hưởng gì? hoặc phải bồi thường gì không ạ? Rất mong sớm nhận được tư vấn của Luật sư ạ. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn, chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:
Theo quy định tại Điều 29 Luật viên chức 2010, sửa đổi bổ sung bởi Luật Cán bộ công chức, viên chức 2019 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
…
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
…
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.
Căn cứ theo quy định trên đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo thời hạn báo trước tuỳ theo loại hợp đồng lao động mà bạn đã giao kết, cụ thể: ít nhất 45 ngày khi việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày khi làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn trong trường hợp bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật, bạn không phải bồi thường chi phí nào. Sau khi nghỉ việc, bạn có quyền lựa chọn bất kỳ ngành học nào phù hợp khả năng, hoàn cảnh của mình.
Khi thôi việc, bạn có thể được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, chế độ bảo hiểm thất nghiệp và được bảo lưu thời gian tham gia BHXH nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 46 Bộ Luật lao động 2019; Điều 49, 50 Luật Việc làm 2013; Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất