LS Hồng Nhung

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy đinh của bộ luật hình sự hiện hành. Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Hiện tại cháu đang học lớp 9. Lúc trước cháu có một người bạn gọi là thân thiết. Nhưng dần dần bạn ấy chơi thân với những người khác gọi là đàn anh đàn chị. Nên không chơi với cháu nữa. Không biết sao bạn ấy cứ bảo cháu thì thu tiền bảo kê của mấy đứa lớp 7  điều đó là không có thật ạ, cháu chưa bao giờ thu mấy loại tiền như vậy và cháu đi học không đánh ai cả, cũng không vi phạm nội quy nhà trường. Có 1 hôm cháu đi mua sách với bạn ở thành phố thì đến chỗ sân bay. Sân bay đó không còn máy bay nữa. Gần đoạn đường vắng bạn ấy đánh cháu lấy mũ bảo hiểm đập trên đầu và tát nắm tóc, bấu vào lưng cháu nữa. Làm xe cháu hư không đi được. Còn mới ngày hôm nay thì bạn ấy cùng 1 chị lên tận trường cháu học để đánh cháu. Tát và nắm tóc cháu.

Cho cháu hỏi bây giờ cháu phải làm thế nào ạ? Bạn ấy chỉ mới học lớp 8 và đã nghỉ học ạ.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn đã cung cấp, nếu như quyền và lợi ích hợp pháp của bạn bị xâm phạm bạn có thể tố cáo hành vi phạm tội của người có hành vi đánh đập bạn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành giám định mức thương tật do hành vi cố ý gây thương tích của người đó gây ra. Theo quy định của pháp luật Hình sự hiện hành, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khoẻ. Và tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy him hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy him hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

....”

Theo quy định này, nếu bạn bị tổn hại sức khỏe từ 11% đến 30% thì người thực hiện hành vi đánh bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích ở đây mới chỉ học lớp 8 nên để xem xét độ tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không bắt buộc phải tuân thủ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

 

1. Người từ đủ 16 tui trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

 

Như vậy, vì đối tượng mới học lớp 8 (13 tuổi) nên không đủ độ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là giáo dục tại xã, phường thị trấn theo quy định của Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính. 

 

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

 

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

 

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Điều 586.

 

"1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

 

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

 

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường."

 

Như vậy, đối với hành vi của đối tượng trên ngoài việc xem xét áp dụng các biện pháp xử phạt thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trong trường hợp này cha, mẹ của đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Theo đó, gia đình có quyền yêu cầu bồi thường, nếu yêu cầu bồi thường không được chấp nhận thì có quyền làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo