Luật sư Phùng Gái

Điều kiện về truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Câu hỏi tư vấn: Năm 2015 tôi có làm hồ sơ vay vốn với Ngân hàng.Trước khi làm hợp đồng tôi được nhân viên bên ngân hàng tư vấn nếu làm hợp đồng vay theo bảng lương nơi tôi làm việc mức lãi xuất 1,66 %/ tháng với trường hợp công ty nơi tôi làm việc đăng ký giấy phép kinh doanh trên 2 năm, nếu dưới 2 năm sẽ áp dụng mức lãi suất 2,95% /tháng .

Khi đó công ty nơi tôi làm việc mới đăng ký dưới 2 năm lên tôi được hướng dẫn làm hợp đồng vay 30.000.000 đ và trả góp hàng tháng trong 24 tháng với mức lãi suất 2,95%/tháng, 15 ngày sau tôi được giải ngân, hơn 1 tháng sau tôi mới nhận được hợp đồng kèm theo bảng kê số tiền đóng hàng tháng bên phía ngân hàng gửi .

Khi tôi đọc nội dung trong hợp đồng thì mức lãi suất áp dụng là 5%/tháng chứ không phải mức lãi xuất 2,95%/ tháng như lúc tôi làm hợp đồng . Tôi gọi điện cho người trực tiếp làm hợp đồng thì được hướng dẫn gọi trực tiếp vào số của công ty, gọi vào công ty thì lại đùn đẩy cho người làm hợp đồng. Tôi có đóng tiền trả góp hàng tháng trong 4 tháng thì dừng lại vì lý do vấn đề tôi thắc mắc, khiếu nại về lãi suất không được phía ngân hàng  giải quyết, tôi có gửi mail yêu cầu phía ngân hàng giải quyết rõ ràng cụ thể vấn đề lãi suất chênh lệch trong hợp đồng vay của tôi và có đưa ra yêu cầu với phía ngân hàng khi nào giải quyết rõ ràng rứt điểm vấn đề lãi suất như lúc đầu khi tôi làm hợp đồng là 2,95%/ tháng thì tôi sẽ đóng phí trả góp hàng tháng bình thường. Nhưng cho đến giờ mọi thắc mắc của tôi vẫn chưa được phía ngân hàng giải quyết, có gọi điện cho tôi cũng chỉ yêu cầu đóng tiền, vừa rồi tôi có nhận được 2 lần  giấy của công ty luật sư được phía ngân hàng ủy quyền để thông báo cho tôi về việc trả nợ. Nếu không sẽ chuyển hồ sơ kiện tôi ra Tòa yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 139 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Điều 140 Bộ luật hình sự về Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 Vậy cho tôi hỏi trường hợp của tôi có bị xử lý hình sự theo 2  điều 139 và 140 Bộ luật hình sự không?  Tôi có thể gửi đơn đến cơ quan pháp luật nào để can thiệp, giải quyết vấn đề lãi suất của tôi với phía  ngân hàng? cách và nội dung  viết đơn ....? Tôi rất mong được hồi đáp, tư vấn cho tôi của quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn ! 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:

Điều 139*. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

....

Như vậy, một trong những điều kiện để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phải có hành vi gian dối thông qua cung cấp, đưa những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác để họ tin tưởng và giao tài sản cho mình. Trên cơ sở đó chiếm đoạt luôn tài sản mà không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Theo đó với trường hợp của bạn không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này vì thực tế khi giao dịch bạn cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho phía bên ngân hàng về điều kiện để được vay vốn với giá trị 30 triệu đồng (dựa vào thang bảng lương và giấy tờ chứng minh công ty làm việc đăng ký giấy phép kinh doanh dưới 2 năm - đã được phía ngân hàng kiểm tra rõ ràng), đồng thời sau khi vay bạn vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán định kỳ theo thỏa thuận đã giao kết. Còn đối với việc dừng thanh toán là do phát sinh mẫu thuẫn về việc áp dụng lãi suất chứ không phải dấu hiệu của hành vi gian dối để chiếm đoạt luôn giá trị tài sản 30 triệu đồng.

- Thứ hai, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 140*. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

...

Theo đó, một trong những dấu hiệu để truy cứu về tội danh này là phải thông qua hợp đồng rồi dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Do vậy, áp dụng với trường hợp của bạn thực tế bạn có vay tiền ngân hàng qua giao dịch hợp đồng vay vốn nhưng bạn không có hành vi gian đối để chiếm đoạt tài sản mà sau khi vay bạn vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng định kỳ và việc dừng thanh toán sau thời gian 4 tháng liên tục thực hiện nghĩa vụ là do mẫu thuẫn về lãi suất trong hợp đồng vay với lãi suất thỏa thuận ban đầu của hai bên, bạn yêu cầu giải trình về việc áp dụng sai lãi suất trên sau đó mới thực hiện tiếp nghĩa vụ của mình với ngân hàng theo định kỳ thỏa thuận ban đầu chứ không hề bỏ trốn hoặc gian dối để chiếm đoạt luôn số tiền 30 triệu đồng của ngân hàng. Từ những phân tích trên thì cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với bạn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được.

- Thứ ba, giải quyết việc áp dụng lãi suất.

Theo như thông tin cung cấp thì trước khi lập hợp đồng vay hai bên thỏa thuận về lãi suất áp dụng là  2,95% /tháng đối với tổng số tiền vay 30 triệu, nhưng thực tế khi nhận được hợp đồng thì lãi suất mà ngân hàng áp dụng là 5%/tháng và vẫn chưa được giải quyết. Như vậy, để giải quyết vấn đề mâu thuẫn về lãi suất này thì bạn phải chứng minh được (thông qua giao dịch chứng từ, người làm chứng..) lãi suất thỏa thuận áp dụng là 2,95%/ tháng chứ không phải 5%/tháng. Trên cơ sở chứng minh được thì bạn có thể lựa chọn hình thức làm đơn khởi kiện ra Tòa để giải quyết, kèm theo đơn là là hợp đồng vay vốn và chứng từ chứng minh lãi suất hai bên thỏa thuận với nhau là 2,95%/tháng.

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo