Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Đóng BHXH tự nguyện thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là việc người tham gia có nhu cầu đóng một khoản tiền hằng tháng, hằng năm, hàng quý... Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng một số chế độ như chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và nhà nước, góp phần thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội.
- Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng cho Nhà nước và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội được thực hiện về lâu dài. Do đó, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhà nước khuyến khích tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia khi về già.
- Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
2. Quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện
Câu hỏi:
Tôi có thời gian làm việc tại cơ quan nhà nươc và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được khoảng 18 năm, Nay do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe tôi xin thôi việc nhưng tôi chỉ mới 40 tuổi. Vậy Tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện để có được hưởng lương hưu khi tới tuổi có được không và xin cho biết thủ tục, mức đóng BHXH tự nguyện và tỷ lệ phần trăm mức lương hưu được hưởng. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
- Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.”.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
c) Người lao động giúp việc gia đình;
d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
h) Người tham gia khác.
Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục tham BHXH tự nguyện như sau:
"1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.”
Điều luật trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ- BHXH như sau:
“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.
Căn cứ theo quy định trên, để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn cần điền tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.
Như vậy, bạn đang trong độ tuổi lao động và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, do vậy bạn hoàn toàn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để nâng tổng số năm bảo hiểm xã hội của mình lên. Khi đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, bạn sẽ được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về chế độ hưu trí.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Căn cứ quy định tại Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
"... Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện."
Trong đó: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 là 700.000 đồng/người/tháng.
Còn mức lương cơ sở hiện nay theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP là 1.390.000 đồng.
“Mức đóng hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:
Mức đóng hằng tháng = Tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện X Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn
Trong đó:
1. Tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện:
- Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011: bằng 18%;
- Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013: bằng 20%;
- Từ tháng 01/2014 trở đi: bằng 22%.
2. Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn = Lmin + m x 50.000 (đồng/tháng)
* Lmin: mức lương tối thiểu chung;
* m = 0, 1, 2 … n;
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.”
- Phương thức đóng BHXH tự nguyện
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 03 tháng một lần;
- Đóng 06 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
- Thời điểm đóng BHXH tự nguyện
Theo quy định về thời điểm đóng BHXH tự nguyện như sau:
“1. Người tham gia đóng hằng tháng, quý hoặc 06 tháng một lần trên cơ sở đăng ký với cơ quan BHXH. Thời điểm đóng là: trong vòng 15 ngày đầu tháng đối với phương thức đóng hằng tháng, trong vòng 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hằng quý, trong vòng 03 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần…”
----
3. Quy định về tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu thế nào?
Câu hỏi:
Xin chào luật sư, em có vấn đề về BHXH tự nguyện muốn hỏi luật sư:
Mẹ em có tham gia BHXH tự nguyện được 16 năm 6 tháng, giờ muốn đóng 1 lần để được nghỉ hưu, em muốn hỏi công thức tính tổng số tiền đóng 1 lần thế nào?- Mẹ em cũng đang được hưởng chế độ tàn tật, nhưng băn khoăn là không biết khi được hưởng lương hưu BHXH tự nguyện thì có còn được hưởng chế độ tàn tật nữa không?
Mong luật sư giải đáp vấn đề trên giúp em. Em chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Về mức tham gia BHXH tự nguyện
- Mức tham gia BHXH tự nguyện thông thường là: hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (Điều 87 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014).
- Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP),
- Cụ thể công thức được hướng dẫn trong Khoản 4 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH. Anh/chị có thể tra cứu để tính mức đóng cho trường hợp của mình (vì lý do kỹ thuật email này không thể đính kèm công thức nên chỉ có thể cung cấp văn bản pháp luật để anh/chị tra cứu).
Về trợ cấp người khuyết tật
Do bạn không trình bày rõ mẹ đang hưởng chế độ gì, nên chúng tôi tạm ví dụ là trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật. Khoản 1 Điều 44 Luật Người Khuyết tật 2010 quy định:
"Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng".
Như vậy việc mẹ anh/chị hưởng lương hưu hàng tháng không ảnh hưởng đến chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Mức tham gia BHXH tự nguyện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất