Luật sư Phùng Gái

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động?

Trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, mức trợ cấp chi trả trợ cấp thôi việc với mỗi người lao động là khác nhau phụ thuộc vào tiền lương và quá trình làm việc của người lao động. Do đó, mỗi người lao động cần nắm được quy định pháp luật lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi nghỉ việc.

1. Luật sư tư vấn về chế độ trợ cấp thôi việc

Khi hợp đồng lao động chấm dứt người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, tuy nhiên không phải trường hợp chấm dứt nào cũng được nhận trợ cấp thôi việc, do đó khi chấm dứt hợp đồng lao động và bạn chưa biết trường hợp của mình có được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hay không? Mức hưởng như thế nào? Bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo trường hợp chúng tôi giải quyết sau đây để có kiến thức pháp luật trong lĩnh vực này.

2. Chế độ trợ cấp thôi việc của người lao động khi nghỉ việc

Câu hỏi tư vấn: Công ty tôi khi làm đơn xin thôi việc (chấm dứt HĐLĐ), nếu chủ sử dụng lao động ký đồng ý cho thôi việc ngay và người lao động nghỉ ngay thì không được hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu làm đủ 45 ngày kể từ ngày làm đơn thì mới được hưởng trợ cấp thôi việc, tôi nghĩ khi người sử dụng lao động ký đồng ý ký đơn xin nghỉ việc thì coi như chấm dứt HĐLĐ hợp pháp theo khoản 3 Điều 36 của Bộ luật lao động thì tại sao không được hưởng trợ cấp thôi việc? Xin cho tôi hỏi thêm thời gian chờ 45 ngày để đơn phương chấm dứt HĐLĐ có được tính thời gian nghỉ ốm ,nghỉ phép, ngày lễ không  hay chỉ tính 45 ngày đi làm. Xin trân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về trợ cấp thôi việc. Cụ thể:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành chi tiết một số Điều của Bộ luật lao động:

Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm 

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động. 
... 

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó: 

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội; 

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn thì việc chấm dứt hợp đồng lao động dựa trên thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động (khoản 3 Điều 36) hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật - tức báo trước cho đơn vị 45 ngày làm việc trước khi nghỉ việc (hợp đồng không xác định thời hạn) hoặc 30 ngày làm việc nếu một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động và làm việc thường xuyên cho đơn vị từ 12 tháng trở lên thì đều đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc (nhưng việc hưởng trợ cấp này phải trừ đi thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp - kể từ thời điểm tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không được thanh toán trợ cấp thôi việc nữa).

Đồng thời, thời gian báo trước cho đơn vị 45 ngày làm việc (thời gian làm việc thực tế) bao gồm tính cả thời gian nghỉ hưởng chế độ theo Luật bảo hiểm xã hội (chế độ ốm đau, thai sản, ...) ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ hưởng nguyên lương (ngày nghỉ lễ, tết...). Riêng đối ngày phép năm chỉ được tính nếu người lao động nghỉ trong khoảng thời gian 45 ngày này với lý do yêu cầu sử dụng ngày phép năm để trừ vào và được sự đồng ý của người sử dụng lao động cho phép dùng phép năm để nghỉ.

---------------

Câu hỏi thứ 2 - Trách nhiệm của công ty khi chấm dứt HĐLĐ

Chào luật sư. Cho em hỏi chuyện là em có làm bên công ty lúc mới vô làm em có kí hợp đồng thử việc 2 tháng sau 2 tháng thì em không được kí hợp đồng nào nữa. Mà em làm được 7 tháng nhưng tháng cuối em lại bị đuổi việc mà không báo trước mặc dù em không có vi phạm những quy định mà công ty đề ra khi em hỏi lí dó thì nói là không đạt số nên cho em nghỉ. Nhưng giờ tiền lương của đã qua 2 tháng rồi mà không thanh toán cho em. Gọi điện hỏi thì cứ hẹn rồi im luôn em gọi lại thì tắt máy không bắt máy. Dậy bấy giờ tiền lương của em có lấy lại được hay là bị mất luôn không lấy lại được nữa. Mong luật sư giúp em phải làm sao mới nhận được lương của mình. Em cám ơn luật sư nhiều

Trả lời:

Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

Theo quy định khi chấm dứt HĐLĐ thì công ty phải thanh toán tiền lương, tiền thưởng, tiền phép năm nếu có trong thời hạn từ 07 tới 30 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. Trường hợp công ty không thực hiện việc thanh toán lương cho anh/chị khi nghỉ thì anh/chị có quyền khiếu nại tại Sở LĐTBXH hoặc khởi kiện tới TAND quận/ huyện nơi công ty có trụ sở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạnbạn liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169