Luật sư Phùng Gái

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và cách tính lương hưu hàng tháng?

Câu hỏi tư vấn: Vợ tôi tham gia BHXH do nhà nước qui định từ 09/10/1998 đến 10/9/2016 thì hết tuổi lao động và chấm dứt HĐLĐ do không đủ số năm đóng BHXH để nghỉ hưu.

 

 Vậy vợ tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt HĐLĐ, mức hưởng mấy tháng lương, cách tính lương trợ cấp thất nghiệp? Có được bảo lưu đóng BHXH và đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 2 năm thiếu với mức lương chọn đóng bằng mức lương trước khi nghỉ chấm dứt HĐLĐ. Quá trình diễn biến lương đóng BHXH như sau: + Từ 1/1/2009 đóng BHXH với hệ số lương 2,71(Thang lương 7 bậc nhà nước). + Từ 1/1/2013 đóng BHXH với hệ số lương 3,19(Thang lương 7 bậc nhà nước). + Từ 1/1/2016 đóng BHXH với hệ số lương 1,5 (Thang lương doanh nghiệp qui định, với mức lương cơ sở 3100000đ). Vậy cách tính lương, và mức lương vợ tôi được hưởng hàng tháng là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gi, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật việc làm năm 2013 về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể:

 

Điều 49. Điều kiện hưởng

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

...

Như vậy, đối chiếu quy định với trường hợp của bạn do vợ bạn chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật (hết tuổi lao động),  đáp ứng đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc. Do đó, trong thời hạn 3 tháng từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động vợ bạn hoàn tất hồ sơ gửi trung tâm giới thiệu việc làm và không tiếp tục làm việc thì đáp ứng đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tuy nhiên thời điểm vợ bạn được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng mà thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp của mình chưa hết thì số thời gian còn lại chưa được hưởng sẽ không được tiếp tục hưởng mà sẽ dừng lại, không được thanh toán tiếp).

 

- Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

 

Do  thời gian bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng từ năm 2009 đến hiện nay. Nên mặc dù vợ bạn đóng bảo hiểm từ 9/10/1998 -10/9/2016 nhưng vợ bạn cũng chỉ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến 2016 - tức vợ bạn được hưởng 7 tháng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Cụ thể:

 

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

..

- Thứ hai, về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

 

Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

 

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

 

Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

 

1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

...

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

 

Như vậy, với quy định trên do vợ bạn chưa đáp ứng điều kiện hưởng chế độ hưu trí (thời gian đóng bảo hiểm) nên thời gian đóng bảo hiểm xã hội này sẽ được bảo lưu. Ngoài ra, do thời gian đóng bảo hiểm còn thiếu 2 năm nên có thể lựa chọn tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện 1 lần cho toàn bộ thời gian còn thiếu là 2 năm, trên cơ sở lựa chọn mức đóng (22% của mức đóng lựa chọn). Tức vợ bạn có thể lựa chọn mức lương khi nghỉ hưu để đóng bảo hiểm tự nguyện và đóng 22% của mức lương đó.

 

- Chế độ hưu trí: Do vợ bạn vừa có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương của Nhà nước, vừa có thời gian đóng bảo hiểm theo chế độ tiền lương của người sử dụng lao động nên mức tiền lương để tính lương hưu thì phải dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng BH chung của các thời gian. Nhưng do bạn chỉ cung cấp tiền lương từ năm 2009 đến nay, còn thời gian trước đó không cung cấp nên không tính cụ thể cho bạn được. Tuy nhiên, bạn có thể đối chiếu quy định sau để xác định. 

 

Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

 

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

 

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

 

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

 

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

 

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

 

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

.

Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

...

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 

 

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo cách tính lương hưu hàng tháng tại bài viết sau: /tu-van-cach-tinh-luong-huu-thang-theo-luat-bhxh-nam-2014.aspx

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và cách tính lương hưu hàng tháng?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn