Phạm Diệu

Đi nghĩa vụ quân sự mấy năm?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định. Vậy thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu lâu, trường hợp nào bị kéo dài thời gian, trường hợp nào có thể xuất ngũ trước hạn và muốn phục vụ lâu dài trong quân đội có được không?

1. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định pháp luật

Tại Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như sau:

“Điều 21. Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.”.

Theo quy định nêu trên thì thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Với các trường hợp để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoặc đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, thời hạn kéo dài không quá 06 tháng. Ngoài ra, nếu trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ,

Về cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Điều 22 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, theo đó thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

2. Các trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ được xuất ngũ trước thời hạn?

Tại khoản 2 Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: “2. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1; các điểm a, b và c khoản 2 Điều 41 của Luật này.”.

Quy định trên được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 279/2017/TT-BQP, cụ thể các trường hợp có thể được xuất ngũ trước thời hạn như sau:

a) Hội đồng giám định sức khỏe từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể như sau:

- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

c) Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện miễn gọi nhập ngũ quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể như sau:

- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

- Một anh hoặc một em của liệt sĩ;

- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

3. Phục vụ lâu dài trong quân đội nhân dân sau khi hết thời gian phục vụ tại ngũ

Điều 14 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định về tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp như sau:

“Điều 14. Tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp

1. Đối tượng tuyển chọn:

a) Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong trường hợp thay đổi tổ chức, biên chế mà chức vụ đang đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ, đang phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Đối tượng tuyển dụng:

Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên.”.

Như vậy, hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ, đang phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội là một trong những đối tượng được tuyển chọn để trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Ngoài ra, cần phải đáp ứng thêm điều kiện, tiêu chuẩn có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng, tự nguyện phục vụ quân đội và có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn