Tự ý sử dụng tiền của công ty bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn pháp luật Hình sự về hành vi tham ô tài sản
Trong các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề xâm phạm sở hữu tài sản của công ty không còn quá xa lạ. Nhiều trường hợp vì lý do khách quan nên người lao động buộc phải sử dụng tiền của công ty. Nhưng cũng có nhiều trường hợp vì mục đích cá nhân mà người lao động chiếm đoạt tài sản công ty.
Khi gặp trường hợp này, người lao động thường có suy nghĩ nếu đã trả lại tiền công ty thì không vi phạm hình sự. Mặt khác, Công ty cũng cho rằng mình có quyền phạt người lao động, yêu cầu nộp khoản tiền rất lớn để không tố cáo ra cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, được tư vấn, giải đáp các quy định của pháp luật là điều vô cùng quan trọng giúp cho người lao động và người sử dụng lao động có những xử sự phù hợp với pháp luật. Luật Minh Gia có thể giải đáp mọi vướng mắc pháp lý của bạn liên quan đến các vấn đề Lao động và Hình sự trong Công ty.
2. Tư vấn trường hợp nhân viên tự ý sử dụng tiền của công ty
Câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn tư vấn về việc liên quan đến hợp đồng lao động và tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động ạ. Cụ thể: Nhân viên A làm việc tại công ty từ tháng 8/2020 và có sử dụng một số tiền của công ty vào làm việc riêng và đã thỏa thuận hoàn lại.
Sau đó một thời gian làm việc công ty yêu cầu nhân viên A nghỉ việc và phải trả một khoản tiền phạt cho công ty nếu không sẽ tố cáo hành vi vi phạm.
Vậy nên, mong luật sư tư vấn giúp nếu nhân viên A bị tố cáo thì quy trình tố cáo sẽ như thế nào, mức phạt A có thể nhận là gì (có bị xem xét liên quan đến việc ngồi tù không).
Note: Nhân viên A cũng biết những sai phạm của Công ty: Không đăng ký work permit cho người nước ngoài; Không tham gia công đoàn cho người Nước ngoài; Sử dụng người lao động nước ngoài trái phép; Mở công ty ảo, không hoạt động kinh doanh (công ty mở ra để tạo 1% đầu tư Việt Nam khi đăng kí kinh doanh); Người nước ngoài không đăng ký tạm trú; Không báo cáo tình hình lao động.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, trình tự giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm
Sau khi Công ty tố cáo hành vi của bạn đến cơ quan Công an, phía Công an sẽ tiếp nhận tin tố giác và tiến hành kiểm tra, xác minh theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 với thời hạn:
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
- Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Trong thời gian này, Cơ quan Công an có thể mời bạn đến trụ sở để làm việc và cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh, điều tra. Sau khi có kết quả xác minh, tùy từng trường hợp Cơ quan Công an sẽ ra một trong các quyết định:
+ Quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu xác minh được bạn có hành vi vi phạm hình sự;
+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự nếu xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bạn không cấu thành tội phạm;
+ Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nếu còn nhiều tình tiết chưa làm rõ;...
Thứ hai, khung hình phạt về hành vi tự ý sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân
Theo thông tin bạn cung cấp, nhân viên A đã tự ý sử dụng tiền của công ty khi chưa được cho phép để dùng cho mục đích cá nhân. Xét về hành vi 02 lần tự ý sử dụng tiền của công ty, mặc dù nhân viên A đã trả lại đầy đủ nhưng vẫn được xác định bạn đã có hành vi chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi chưa rõ về quyền hạn và trách nhiệm của nhân viên A trong việc quản lý, sử dụng tiền của công ty là gì nên bạn cần kiểm tra lại nội dung Hợp đồng lao động của nhân viên A và các nội quy, quy chế làm việc của công ty,…
Trong trường hợp này nếu có đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì hân viên A có thể vi phạm về tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) về tội Tham ô tài sản. hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu có quyền quản lý hoặc không có quyền quản lý tài sản
Thứ ba, yêu cầu phạt tiền của công ty
Công ty có quyền yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại về hành vi tự ý lấy tiền của công ty nếu công ty có căn cứ chứng minh thiệt hại do bạn gây ra. Theo thông tin bạn cung cấp, công ty ép buộc bạn hoàn trả lương tháng 3, tháng 4; yêu cầu bạn tự trả tiền cho nhà cung cấp (Tổng số tiền là 19 triệu đồng) và yêu cầu bạn phải chuyển cho Công ty 100 triệu đồng coi như tiền phạt trước 30/07/2021 nếu không sẽ tố cáo bạn với cơ quan pháp luật.
Trong trường hợp Giám đốc công ty không chứng minh được thiệt hại do bạn gây ra mà lợi dụng việc bạn sợ bị tố cáo ra cơ quan Công an để buộc bạn phải chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền đó thì hành vi của Giám đốc công ty có thể bị truy cứu về tội Cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 BLHS nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội này.
Cần lưu ý rằng, dù bạn và Công ty có thỏa thuận với nhau về việc sử dụng các khoản tiền của công ty và tiền phạt Công ty yêu cầu bạn nộp nhưng nếu Cơ quan Công an phát hiện và điều tra vụ việc này, khi có đủ cơ sở kết luận hành vi có vi phạm pháp luật hình sự thì Cơ quan Công an vẫn có quyền khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bạn và Giám đốc công ty. Mặt khác, cũng không thể đảm bảo rằng Giám đốc Công ty sẽ chấm dứt hoàn toàn yêu cầu bạn trả tiền phạt.
Thứ tư, các hành vi vi phạm pháp luật khác của Công ty
Theo thông tin bạn cung cấp, những hành vi như: Không đăng ký Giấy phép lao động cho người nước ngoài; Không tham gia công đoàn cho người nước ngoài; Sử dụng người lao động nước ngoài trái phép; Không báo cáo tình hình lao động; Người nước ngoài không đăng ký tạm trú; Mở công ty ảo, không hoạt động kinh doanh; Người nước ngoài không đăng ký tạm trú;... là những hành vi vi phạm pháp luật lao động và có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP; xử phạt theo nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc người nước ngoài không đăng ký tạm trú,... hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Công ty. Vì bạn không nêu rõ nên chúng tôi chưa thể tư vấn cho bạn.
Mọi thông tin còn vướng mắc hoặc có nhu cầu sử dụng các dịch vụ Luật sư của Luật Minh Gia, bạn có thể liên hệ ngay cho chúng tôi theo Hotline để trao đổi chi tiết yêu cầu của mình!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất