Đe doạ giết người là vi phạm gì?
Mục lục bài viết
Câu hỏi tư vấn:
Ngày 8/3/202x, một người tên H liên tục nhắn tin, gọi điện bảo em có quan hệ bất chính với vợ H và liên tục chửi bới, dọa đánh gãy, dọa đánh giết em và mẹ em. Ngày15/6/202x, H và một thanh niên trẻ lạ mặt xông vào nhà em, H tìm kiếm khắp các phòng và hỏi em: “mày giấu vợ tao ở đâu” rồi rút từ sau lưng ra một cây gậy sắt đánh trúng đầu em. Sau đó, người nhà em mới đưa em đi bệnh viện khám và theo yêu cầu của bác sĩ, em đã nằm viện 5 ngày để theo dõi và kiểm tra. Ngày 17/06/202x, em đã làm đơn trình báo khai rõ sự tình nộp cho công an huyện.
Đến ngày 29/06/202x, công an huyện gọi điện bảo em vào lấy lời khai và bảo em rằng, nếu bây giờ gia đình nhà H xin bồi thường thì em nhận được đồng nào hay đồng ấy, còn đã đi giám định tỉ lệ thương tật mà dưới 11% thì em không được bồi thường, chỉ phạt hành chính H là xong. Em không đồng ý, nên đã yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân + truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có thêm thông tin gì từ chính quyền mà H thì ngáo đá hoang tưởng nặng, luôn dọa sẽ thuê người giết chết em và gia đình em. Em và gia đình em quá hoang mang lo sợ, tính mạng luôn luôn bị đe dọa. Không biết quy định, quy trình, và thời gian xử lý của pháp luật ra sao. Mong luật sư cứu em và gia đình em với. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời câu hỏi tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Thứ nhất, quy định pháp luật về tội cố ý gây thương tích và tội đe dọa giết người
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về Tội cố ý gây thương tích như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;”
Theo quy định trên, người nào cố ý gây thương tích cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Đối với những trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác mà tỉ lệ tổn thường cơ thể dưới 11% nhưng có sử dụng hung khí nguy hiểm là phương tiện để phạm tội thì vẫn phải chịu TNHS. Theo quy định pháp luật hiện hành, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hung khí nguy hiểm nhưng có thể dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về về hung khí nguy hiểm. Theo đó, sử dụng hung khi nguy hiểm để phạm tội được là sử dụng vũ khí và phương tiện nguy hiểm để phạm tội. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Như vậy, theo các quy định trên thì gậy sắt được xác định là hung khí nguy hiểm, là một vật cứng trong tự nhiên có khả năng gây ra thương tích cho người khác. Anh H dùng gậy sắt đánh vào đầu bạn mà gây thương tích, kể cả trường hợp thương tích dưới 11% thì vẫn có thể phải chịu TNHS về Tội cố ý gây thương tích. Công an huyện trả lời bạn rằng nếu bạn đi giám định tỉ lệ thương tật mà dưới 11% thì không được bồi thường, chỉ phạt hành chính H là chưa đúng theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS 2015 về Tội đe dọa giết người như sau:
“Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Theo quy định trên, người nào đe dọa giết người và nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng mình sẽ bị giết thì người đe dọa sẽ phải chịu TNHS về Tội đe dọa giết người. Theo thông tin đã cung cấp, anh H đã nhiều lần nhắn tin đe dọa sẽ giết bạn và mẹ bạn, tự ý vào nhà bạn và gây thương tích cho bạn. Như vậy, chuỗi hành vi của anh H có thể tác động đến tâm lý của bạn, có căn cứ khiến cho bạn lo sợ rằng anh H sẽ thực hiện hành vi giết người. Bạn hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi cố ý gây thương tích và đe dọa giết người của anh H đến cơ quan công an có thẩm quyền để xác minh, khởi tố vụ án hình sự.
Thứ hai, quy định pháp luật về thời hạn, thủ tục giải quyết đơn tố giác tội phạm
Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác tội phạm như sau:
“Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.”
Theo quy định trên, thời hạn thông thường để giải quyết đơn tố giác tội phạm là 20 ngày, kể từ ngày nhận đơn. Trong thời hạn này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh và phải ra một trong 03 quyết định: (I) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; (ii) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và (iii) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết đơn tố giác. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn giải quyết đơn tố giác tội phajmcos thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày nhận đơn. Sau thời hạn này nếu vẫn chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì được gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng và phải được Viện trường VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Theo đó, thời hạn tối đa để giải quyết đơn tố giác tội phạm có thể kéo dài đến 04 tháng, kể từ ngày cơ quan công an nhận đơn tố giác của bạn. Trường hợp bạn có đủ chứng cứ chứng minh hành vi của anh H có dấu hiệu tội phạm nhưng hết thời hạn giải quyết đơn tố giác cơ an công an không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định của cơ quan công an, bạn có quyền khiếu nại quyết định này đến người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất