Đất sử dụng chung quyền lợi các bên thế nào?
Câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn giúp đỡ gia đình em như sau. Năm 1998 nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng gia đình em cùng 3 hộ gia đình khác có nhận đất để trồng rừng. Lúc nhận đất thì chỉ có hợp đồng với 1 người tổ trưởng đứng tên ông D. Từ đó đến năm 2016 các hộ vẫn bảo vệ và khai thác thì chia tiền đều nhau. Nhưng đến năm 2016 đến chu kỳ khai thác thì hộ ông D bán và đánh bài hết số tiền thu được từ bán rừng. Các hộ gia đình cũng thông cảm và bỏ qua. Rồi sau đó cây keo tái sinh tự mọc hiện nay đường kính 6 cm. Hiện nay tháng 10 có chủ trương đền bù để giải phóng mặt bằng. Thì chính quyền địa phương thông báo cho hộ ông D đi đo đạc và làm thủ tục đền bù. Còn 3 hộ dân còn lại không thấy thông báo gì.
Hiện tại 3 hộ gia đình đã làm đơn gửi UBND xã đề nghị giải quyết. Trong khi 3 hộ dân kia không có giấy tờ gì cả. Thì hộ ông D lại có hợp đồng bảo vệ rừng thuộc dự án trồng mới 5trieu ha rừng mang tên Ông D. Nhờ luật sư tư vấn giúp đỡ gia đình em với. Xin nói thêm rằng tất cả người dân địa phương và ban chỉ huy xóm đều biết là đất ở đó là của chung của 4 hộ gia đình. Xin chân thành cảm ơn vp luật sư. Nhờ luật sư tư vấn sớm giúp gia đình không thì không kịp thời gian.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, thì trường hợp của bạn là nhiều hộ gia đình cùng sử dụng chung một diện dích đất để khai thác trồng rừng, nhưng giấy tờ trên hợp đồng chỉ đứng tên một người.
Để xác định quyền lợi của gia đình bạn và các gia đình khác, cần xem xét rõ ràng trong văn bản nhận bàn giao đất, tuy Ông D là người ký tên, nhưng có thể hiện thông tin về việc ông D đại diện cho 3 hộ dân còn lại hay không. Hoặc nếu không thể hiện trực tiếp trong văn bản nhận bàn giao đất với chính quyền địa phương thì việc các hộ ủy quyền cho ông D đại diện đứng tên có dược lập thành văn bản hay không? Nếu có, thì đây sẽ là căn cứ để xác định quyền sử dụng đất là của chung hộ gia đình ông D và 3 hộ gia đình còn lại.
Nếu như không có các văn bản giấy tờ thể hiện việc ông D đại diện cho các gia đình khác đứng tên trên hợp đồng nhận bàn giao đất, thì rất khó trong việc kiểm soát ông D lợi dụng việc chỉ có tên mình trên giấy tờ mà thực hiện những thủ tục mua bán và nhận đền bù với đất để tư lợi.
Các bạn có thể yêu cầu ông D chi trả tiền đền bù tương ứng cho mỗi hộ, nếu ông D không đồng ý, các bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên UBND xã, để xác định quyền sử dụng đất của 3 hộ gia đình còn lại đối với mảnh đất trên. Nếu có căn cứ chứng minh những hộ gia đình còn lại có quyền đối với mảnh đất đó thì các bạn cũng được hưởng tiền đền bù khi nhà nước thu hồi đất.
Hiện nay, do văn bản hợp đồng ký với chính quyền địa phương chỉ mang tên ông D, nên Nhà nước lấy đó làm căn cứ tiền hành bồi thường khi thu hồi đất. Để bảo vệ quyền lợi của bạn và các hộ gia đình khác, nếu không thể yêu cầu ông D tiến hành chi trả tiền đền bù tương ứng cho mỗi hộ, thì các bạn phải chứng minh được quyền của mình với mảnh đất này.
Việc chứng minh quyền của các hộ còn lại với mảnh đất đó có thể thực hiện qua việc lập văn bản lời làm chứng của người dân địa phương và ban chỉ huy xóm về việc xác nhận cả 4 hộ gia đình cùng tham gia sử dụng đất từ thời điểm được nhà nước giao đất, cung cấp các giấy tờ chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với mảnh đất này có tên các hộ gia đình còn lại (nếu có),… trình UBND xã xem xét và giải quyết.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, Luật đất đai 2013 có quy định như sau:
Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
...
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành
Như vậy, với tranh chấp này, trước tiên các bạn sẽ giải quyết tại UBND cấp xã, nếu UBND cấp xã hòa giải không thành, bạn và các hộ gia đình còn lại có thể gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện tại địa phương nơi đang có mảnh đất tranh chấp để yêu cầu Tòa giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất