Trần Phương Hà

Đất cho ở nhờ lâu có đòi lại được không?

Xin chào Luật Minh Gia, Xin tư vấn giúp mình tình huống về đòi lại đất đã cho ở nhờ lâu năm như sau: Bà nội mình ( gọi tắt là bà A). Trước năm 1975 bà A có cho bà B ở nhờ chung trên mãnh đất của bà A. Vì đất ở từ xa xưa nên vẫn chưa có GCQDĐ. Nay bà A mất, con trai bà A vẫn tiếp tục ở trên mảnh đất này.

Nay con trai bà A có quyền đòi lại mãnh đất của bà B đang ở nhờ không? Bà B là người đóng thuế sử dụng đất đai. Nếu không đòi lại đựơc mãnh đất mà bà B đang cất nhà ở thì có thể đòi lại những mãnh đất trống xung quanh nhà bà B không? quy định pháp luật trường hợp này thế nào. Trong khi đó bà B còn nhiều đất đai ở khu vực khác. Mong đoàn luật sư sớm hồi âm Chân thành cám ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn tư vấn như sau:

Bộ luật dân sự quy định về hợp đồng mượn tài sản như sau:

"Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được".

Về nghĩa vụ, pháp luật quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:

" Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn".

Theo quy định của pháp luật, nếu có đủ cơ sở để xác định thửa đất bà B đang sử dụng là thửa đất mượn của bà A thì trong phạm vi nghĩa vụ của mình, bà này có trách nhiệm trả lại tài sản khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Hơn nữa, việc bà B phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm xuất phát từ cơ sở thực tế sử dụng, và không chỉ dựa vào việc nộp tiền sử dụng đất hàng năm để xác định chủ sở hữu của thửa đất mà còn nhiều các cơ sở khác.

Để tiến hành việc giải quyết tranh chấp thì gia đình bạn cần thu thập mọi thông tin xung quanh thửa đất làm cơ sở xác định quyền sở hữu đối với tài sản này: mọi thông tin của thửa đất ghi nhận tại cơ quan có thẩm quyền, lời khai của những người biết rõ sự việc trên, bản tự khai về nguồn gốc thửa đất,...và gửi tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét, thụ lý và giải quyết.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo