Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đáo hạn ngân hàng là gì? Hành vi lừa đảo vay đáo hạn bị xử lý thế nào?

Hiện nay, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra khá sôi động. Lợi dụng hoạt động này nhiều đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng chú ý là các nạn nhân bị lừa số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Vậy việc lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

1. Thế nào là đáo hạn ngân hàng?

Đáo hạn là ngôn ngữ dùng chung để chỉ ngày đến hạn, sắp hết thời hạn theo hợp đồng, thanh toán hợp đồng hay trả nợ khi vay vốn ngân hàng. Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng là người vay phải trả hoàn tất số tiền đã vay. Ngày đáo hạn sẽ được quy định theo hợp đồng mà người vay ký kết với ngân hàng.

Đáo hạn ngân hàng là dịch vụ gia hạn thêm thời gian vay của khách hàng đối với ngân hàng. Hoặc tất toán thêm thời gian vay nếu họ đang thực hiện các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Người đi vay thường sử dụng hình thức này để có thể kéo dài hoặc gia hạn thêm thời gian vay đối với các khoản vay tại ngân hàng.

Đáo hạn ngân hàng phát sinh do người vay tiền ngân hàng đến thời điểm trả nợ nhưng chưa có khả năng chi trả nên buộc phải tìm kiếm nguồn tiền khác trả, để sau đó được ngân hàng tiếp tục cho vay lại. Chính vì nhu cầu này, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

2. Thủ đoạn lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng

Thủ đoạn chung của những đối tượng lừa đảo là tiếp cận những nạn nhân mong muốn vay tiền để đáo hạn ngân hàng, sau đó chúng dùng mọi thủ đoạn để đánh vào tâm lý cần tiền của các nạn nhân để họ làm thủ tục vay tiền để đáo hạn ngân hàng. Tiếp đó chúng khai thác thông tin của các nạn nhân với lý do là lập hồ sơ vay. Cuối cùng, chúng liên hệ yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản tiền trước để đảm bảo khoản vay hoặc các lý do khác khiến các nạn nhân tin rằng đó là thật và thực hiện việc chuyển tiền.

Hoặc thủ đoạn khác là đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Ví dụ như người phạm tội lợi dụng lòng tin của người khác và đưa ra thông tin là bản thân cần tiền để đáo hạn ngân hàng, sau khi đáo hạn sẽ trả lại, tuy nhiên sau khi người phạm tội nhận được số tiền đó mà không thực hiện thủ tục đáo hạn mà lại sử dụng số tiền đó cho mục đích khác.

3. Lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Người nào lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

…”

Theo quy định trên, hành vi lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội đã đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật để yêu cầu người cần vay tiền chuyển tiền trước để mình thực hiện thủ tục đáo hạn ngân hàng thay người vay hoặc người phạm tội đóng vai trò là người vay tiền với mục đích vay tiền để đáo hạn ngân hàng khiến người cho vay tin tưởng và cho vay tiền nhằm chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, sau đó không dùng số tiền này vào mục đích đã hứa hẹn ban đầu và không trả lại số tiền này thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với người phạm tội này là tù chung thân.

Việc kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì vậy đứng trước những lời đề nghị, cám dỗ hấp dẫn, người đi vay, người cho vay cần phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo để tránh sập bẩy của những đối tượng lừa đảo. Trong trường hợp đồng ý cho vay, mượn tiền vì các mục đích như đáo hạn ngân hàng thì cũng nên tìm hiểu chính xác các thông tin để tránh trường hợp lòng tốt của mình bị lợi dụng dẫn đến bị mất số tiền đã cho vay, mượn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn