Đánh nhau gây rối trật tự nơi công cộng bị xử phạt thế nào?
1. Luật sư tư vấn Luật Xử lý vi phạm hành chính
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp do mâu thuẫn, xích mích mà các bên phát sinh hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm. Do vậy, nếu các bên không kiểm soát được hành vi của bản thân có thể bị xử lý. Để tìm hiểu về vấn đề này, anh/chị có thể tham khảo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra anh/chị có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để vận dụng linh hoạt vào trường hợp của mình.
2. Tư vấn về hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng
Câu hỏi tư vấn: Cho tôi hỏi vừa rồi tôi đi trên đường đi làm về trên đường đi tôi né xe ô tô để vượt lên trước có vượt mặt qua một chiếc xe máy khác sau đó xe máy đi sau đã phóng lên dùng chân đạp tôi nhưng trượt và cố tình đạp khiêu khích tiếp nên tôi đã phóng lên dùng gậy đánh vào xe người đó và đánh lên nón bảo hiểm người đó nhưng về người thì không có vấn đề gì xảy ra nhưng sau đó công an xã đã đưa xe tôi về trụ sở sau đó tôi lên để xin xe nhưng công an xã bảo bên kia nói nón bảo hiểm họ mua là 18 triệu bắt tôi phải bồi thường và phải bồi thường cả đèn xe nữa công an chỉ bảo vậy rồi bảo tôi về nhà viết bản tường trình nhưng tôi thấy phi lý nên tôi không viết cũng không lên nữa vì cái xe của tôi cũng chỉ đáng giá có 11 triệu mà đền vậy tôi lấy xe làm gì nữa tôi muốn hỏi luật sư là trường hợp của tôi sẽ phải được xử lý như thế nào cho đúng à tôi vi phạm lần đầu.
Nội dung tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin anh/chị cung cấp, trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, anh/chị có mâu thuẫn với một người khác. Người đó có hành vi cố tình đạp khiêu khích anh/chị và anh/chị cũng có hành vi dùng gậy đánh vào xe người đó và đánh lên nón bảo hiểm của người đó, không gây thương tích về sức khỏe. Trong trường hợp này, hành vi của anh/chị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
…
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
…”
Theo đó, hành vi đánh nhau nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
…”
Do vậy, nếu hành vi dùng gậy đập vào xe và mũ của người đó gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người đó. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
Theo quy định trên thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và mức bồi thường này phải được xác định hợp lý với thiệt hại thực tế. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực thế thì anh/chị có quyền yêu cẩu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất