Luật sư Việt Dũng

Đang nghỉ thai sản công ty có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không?

Luật sư giải đáp thắc mắc về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nữ đang nghỉ thai sản. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

 

Chào Công ty Em xin phép được hỏi thắc mắc của mình về chế độ hưởng thai sản cũng như đền bù về lương khi bị công ty đuổi ngang trong thời kỳ chờ thai sản.Em làm bên trung tâm anh văn. Hợp đồng lao động của em ký với công ty có hiệu lực tới ngày 26/08/2018. Ngày 22/12/17, em bị lập biên bản cảnh cáo vì lý do chưa điền đầy đủ thông tin học viên cụ thể là số điện thoại và ngày sinh (gồm 6 học viên), cơ sở em đạt doanh thu cao trong những tháng qua, chỉ có tháng 12 hiện tại chúng em đạt doanh thu thấp, nên đó là cái cớ để ban giám đốc kiểm tra bên cơ sở em, và lập biên bản đuổi việc em và quản lý cơ sở vì 1 lý do e cho là không chính đáng, trong khi đó những tháng trước bên em đoạt doanh thu cao và nhập thiếu cũng không nói gì. Công ty cho thôi việc em và thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 23/12/17. Em đang trong thời kỳ thai sản, cụ thể là 5 tháng. Vậy em muốn biết chế độ lương, đền bù hợp đồng, và thai sản của em được hưởng như thế nào ạ?Kính mong Qúy công ty luật tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!Trân trọng

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 có nội dung sau:

 

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

.....

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng

…..


Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

…..

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

 

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

 

Như vậy phía người sử dụng lao động chỉ được thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì cần có các căn cứ theo quy định tại điều 38 trên đây đồng thời phải báo cho người lao động một thời gian theo luật định là 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn hoặc 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn. Đồng thời phía công ty cũng không được lấy lý do người lao động nữ nghỉ thai sản để đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ. Đối chiếu với trường hợp của bạn chỉ khi có căn cứ xác nhận bạn thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao thì khi này công ty mới được ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng còn theo thông tin bạn cung cấp  “cơ sở mình đạt doanh thu cao trong những tháng qua, chỉ có tháng 12 hiện tại đạt doanh thu thấp” mà quyết định nghỉ việc bắt đầu từ tháng 23/12 như vậy là chưa hợp lý. Lúc này bạn nên trao đổi trực tiếp với phía công ty về lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như các khoản bồi thường khi đơn phương chấm dứt trái luật.

 

Theo nguyên tắc tại điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì công ty có trách nhiệm sau:

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Như vậy khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn, công ty sẽ có trách nhiệm nhận bạn quay trở lại làm việc, trả tiền lương, tiền bảo hiểm những ngày bạn không được đi làm đồng thời trả ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động,… Khi bạn nghỉ thai sản bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi bạn sinh, đây là chế độ của bảo hiểm xã hội. Nếu phía công ty không thỏa thuận, thương lượng với bạn về việc bồi thường,.. thì bạn có quyền khiếu nại đến phía Hòa giải viên lao động tại phòng lao động thương binh xã hội quận/huyện nơi công ty có trụ sở hoặc gửi yêu cầu đến Tòa án nhân dân quận/huyện công ty đang đặt trụ sở giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo