Nguyễn Nhàn

Đăng ký thường trú là gì? Khi nào cần đăng ký thường trú?

Đăng ký thường trú là một trong các thủ tục để xác định nơi cư trú của công dân, việc đăng ký thường trú có vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi công dân. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về việc đăng ký thường trú. Quý khách có thể tham khảo nội dung dưới đây:

1. Khái niệm địa chỉ thường trú

Thường trú là khái niệm thông dụng và được xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều người chưa xác định được cụ thể thường trú là gì, cũng như chưa phân biệt được cụ thể giữa thường trú và tạm trú dẫn đến nhiều trường hợp khó khăn trong khi thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến cư trú.

Trường trú theo quy định tại Luật cư trú được hiểu là nơi công dân thường xuyên sinh sống một cách ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, mấu chốt để xác định nơi thường trú của một công dân đó là việc công dân đó có đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật hay không. Trường hợp sinh sống ổn định, lâu dài trên một địa điểm nhưng không đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền thì cũng không được xác định đó là nơi thường trú.

2. Các trường hợp cần đăng ký thường trú theo quy định pháp luật

Theo quy định hiện nay, để được đăng ký thường trú công dân cần thuộc các trường hợp được đăng ký thường trú và cần đáp ứng được các điều kiện để đăng ký thường trú, cụ thể như sau:

- Công dân cần đăng ký thường trú trong trường hợp đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới.

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình tại nơi nào thì được đăng ký thường trú tại nơi ở đó.

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2020.

- Ngoài các trường hợp tại Khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2020, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

+ Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

- Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật cư trú 2020.

- Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

- Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 20 Luật cư trú 2020.

Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên, công dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại các cơ quan quản lý cư trú theo quy định pháp luật.

3. Những địa điểm không được đăng ký thường trú

Về vấn đề các địa điểm không được đăng ký thường trú, tại Điều 23 Luật cư trú có quy định cụ thể các địa điểm như sau:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định, các địa điểm nêu trên thông thường công dân không được phép đăng ký thường trú mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều không được đăng ký thường trú tại các địa điểm nêu trên. Hiện nay, pháp luật vẫn cho phép các trường hợp như vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con được phép yêu cầu đăng ký thường trú mới tại các địa điểm nêu trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo