Triệu Lan Thảo

Đăng ký thi bằng lái nhưng không thấy tổ chức thi?

Luật sư tư vấn trường hợp đăng ký thi bằng lái xe ô tô với cá nhân lấy danh nghĩa của trung tâm đào tạo lái xe nhưng không thấy có thông báo tổ chức thi.

 

Chào Công Ty Luật Minh Gia! E có một vấn đề muốn nhờ Công Ty tư vấn giúp e: Cách đây một năm, e có đăng ký học lái xe tại một cá nhân tên A (nhưng A lấy danh nghĩa của một trường đào tạo lái xe), A nói là sau khi đăng ký học thì 3 tháng sẽ được thi. Tổng học phí là 6 triệu nhưng nói là đóng trước một nửa là 3 triệu để ghi danh. E đăng ký và đóng số tiền là 3 triệu vào tháng 10-2016 nhưng đến nay là 8 tháng e vẫn chưa được thi, e có gọi cho A hỏi thì A đã hẹn rất nhiều lần và A trả lời với e là khi nào có lịch thi sẽ báo. K phải riêng em mà còn rất nhiều người bị như thế (Tổng cộng cũng gần 20 triệu). Vậy Công Ty Luật Minh Gia cho e hỏi đó có phải  là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Hay A đang nằm ở trường hợp nào? Nếu bây giờ những người bị A thu tiền làm hồ sơ kiện có được không ạ? Kính mong Công Ty tư vấn giúp e. E xin chân thành cám ơn...!  

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 thì:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.”

 

Dấu hiệu của tội  lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:


+ Chủ thể: người có năng lực tố tụng hình sự đầy đủ.

 

+ Khách thể: quan hệ sở hữu tài sản.

 

+ Mặt chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

 

+ Mặt khách quan: dùng thủ đoạn gian dối bao gồm đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác bằng lời nói hoặc hành vi như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

 

Dấu hiệu quan trọng nhất của tội trên là hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có hành vi gian dối mà chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản thì không thể quy vào tội trên.

 

Trong tình huống trên, bạn cần tới trung tâm mà A lấy danh nghĩa để xác nhận lại các thông tin A cung cấp như: trung tâm có thật hay không? A có đúng là nhân viên của trung tâm hay không?

 

Nếu A là nhân viên của trung tâm trên thì yêu cầu trung tâm sắp xếp thi theo đúng thỏa thuận ban đầu. Nếu công ty không đồng ý sắp xếp lịch thi thì những người đã đăng ký có thể kiện trung tâm (vì A lấy danh nghĩa của trung tâm để giao kết hợp đồng với khách hàng) chậm thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, hai bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp là tốt nhất để tránh phải tốn kém tiến của cũng như thời gian.

 

Nếu A không phải nhân viên của trung tâm hoặc trung tâm không có trên thực tế thì có thể xác định A đang có hành vi gian dối. Khi đó, A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để khởi kiện được vụ việc trên, cần phải chứng minh việc A nhận tiền của những người đăng ký thi bằng lái, A cung cấp thông tin không đúng sự thật (về công ty).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Thùy Lan- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169