Đinh Thị Minh Nguyệt

Đăng ký giao dịch bảo đảm là gì theo quy định?

Đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những giải pháp để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, đặc biệt là đối với bất động sản hoặc là những tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít khó khăn khi nhiều người chưa thực sự nắm rõ được những quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm. Để tìm hiểu cụ thể vấn đề này, quý bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Đăng ký giao dịch bảo đảm là gì?

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 102/2017/NĐ-CP có nêu định nghĩa về đăng ký biện pháp bảo đảm như sau: "Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm."

Hơn nữa, Điều 298 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định :

“1. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định.

2. Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

3. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.”

Như vậy, đối với giao dịch bảo đảm thì việc đăng ký sẽ do các bên tự thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Đối với những trường hợp để giao dịch bảo đảm có hiệu lực thì pháp luật quy định phải đăng ký biện pháp bảo đảm. Còn đối với những biện pháp bảo đảm mà luật không quy định bắt buộc phải đăng ký thì các chủ thể tự nguyện đăng ký để có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

2. Các trường hợp cần đăng ký giao dịch bảo đảm

Không phải mọi trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều bắt buộc phải tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm. Về các trường hợp phải đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP. Theo đó, pháp luật quy định có các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:

+ Thế chấp quyền sử dụng đất;

+ Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

+ Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, các biện pháp bảo đảm sau đây được đăng ký khi có yêu cầu:

+ Thế chấp tài sản là động sản khác;

+ Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;

+ Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Đối với biện pháp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, pháp luật đã ban hành Thông tư 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

3. Một số lưu ý khi đăng ký giao dịch bảo đảm

Thứ nhất, một số trường hợp cơ quan đăng ký từ chối đăng ký được quy định tại Điều 15 Nghị định 102/2017/NĐ-CP bao gồm:

- Không thuộc thẩm quyền đăng ký;

- Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;

- Người yêu cầu đăng ký không nộp phí đăng ký, trừ trường hợp không phải nộp phí đăng ký theo quy định của pháp luật;

- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở không đủ điều kiện thế chấp theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở có tranh chấp, thì cơ quan đăng ký chỉ từ chối đăng ký khi đã có văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc thụ lý giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

- Kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật;

- Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, yêu cầu sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký biện pháp bảo đảm;

- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản của Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thừa phát lại của Văn phòng thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký đối với tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm là người phải thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án là tài sản bảo đảm do cơ quan thi hành án hoặc Văn phòng thừa phát lại gửi đến.

Việc từ chối phải được thực hiện bằng văn bản ngay trong ngày nhận được hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền gửi đến, trong đó cần phải nêu rõ lý do từ chối và hướng dẫn thực hiện việc đăng ký theo đúng quy định của pháp luật; nếu nhận được sau 15 giờ, thì việc từ chối được thực hiện trong ngày làm việc tiếp theo.

Thứ hai, về phí đăng ký giao dịch bảo đảm

Khi có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm thì người yêu cầu phải nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp không phải nộp phí đăng ký theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm thì cần có giấy tờ chứng minh, được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định 102/2017/NĐ-CP gồm:

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

- Văn bản xác nhận (có chữ ký và con dấu) của tổ chức tín dụng về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm mà trong hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm trước đó đã có một trong các loại giấy tờ nêu trên, thì người yêu cầu đăng ký không phải nộp các loại giấy tờ này nữa.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169