Đang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân không?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn quy định về tạm giữ, tạm giam
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn thường xuyên được áp dụng bởi thực tế cho thấy nhiều người thực hiện tội phạm thường xuyên bỏ trốn nhằm tránh việc bị xử lý. Khi bị tạm giữ, tạm giam, pháp luật cũng quy định cụ thể về quy chế thăm nom người tạm giữ, tạm giam và tùy từng loại tội phạm và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà thủ trưởng cơ sở giam giữ ra quyết định có được thăm nom hay không.
Nếu bạn còn chưa rõ quy định của pháp luật về vấn đề gặp người thân khi đang bị tạm giữ, tạm giam mà chưa tìm được những căn cứ pháp luật, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể.
2. Tư vấn về vấn đề gặp người thân khi đang bị tạm giữ, tạm giam
Câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có một vài thắc mắc rất mong luật sư giải đáp giúp tôi ạ. Tôi có người thân bị bắt ngày 10/03/2018 về tội giam giữ người trái pháp luật có tổ chức bao gồm 5 người, nhưng đã hơn 3 tháng nhưng công an vẫn không cho người thân gặp và không thông báo về việc chuẩn bị khởi tố hay ra tòa.
Vậy tôi muốn hỏi ?
1/ Tôi có quyền được thăm người nhà tôi trong thời gian này không ?
2/ tại sao bên công an đã giam giữ người quá 03 tháng nhưng vẫn không thấy văn bản hay quyết định khởi tố ?
Tôi xin chân thành cảm ơn. Minh
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tại Điều 157 như sau:
"Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
…"
Với thông tin bạn cung cấp người nhà của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều luật trên, và khung hình phạt tối đã là 07 năm nên được xác định là loại tội phạm nghiêm trọng (căn cứ theo Điều 9 – Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Do hiện tại người này đang bị giam giữ, gia đình không có thông tin chính xác họ bị tạm giam hay tạm giữ, đồng thời cũng không có thông tin về quyết định khởi tố vụ án nên rất khó xác định hướng giải quyết cụ thể trong trường hợp này.
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tạm giữ và tạm giam như sau:
"Điều 117. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
…
Điều 119. Tạm giam
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
…
6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết."
Từ những quy định trên, có thể thấy người bị áp dụng biện pháp tạm giữ thì bị tạm giữ tối đa trong thời gian 09 ngày. Với trường hợp tạm giam, đây là biện pháp áp dụng với bị can, bị cáo nên chỉ được ra quyết định tạm giam nếu đã có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, đồng thời quyết định tạm giam phải được gửi đến cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.
Do người thân của bạn bị bắt ngày 10/03/2018 tới nay vẫn chưa được trả tự do, nếu người này đang bị giữ theo thủ tục tạm giữ thì đã quá thời hạn và bên cơ quan điều tra buộc phải trả tự do cho người đó nếu không có cơ sở khởi tố bị can và gia quyết định tạm giam. Trường hợp người này đang bị tạm giam mà gia đình hoặc chính quyền địa phương không nhận được thông báo từ cơ quan điều tra thì cơ quan này đã có những vi phạm nhất định trong thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Gia đình bạn có thể đến cơ quan điều tra đang giải quyết vụ việc của người thân mình, yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng bị giam, giữ của người này, trường hợp cơ quan điều tra từ chối cung cấp thông tin, gia đình bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Thủ trường cơ quan điều tra yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong vụ việc trên.
Về việc thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam: Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định tại Điều 22 như sau:
"Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;
không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam."
Như vậy, người thân có thể thăm gặp người đang bị tạm giam, tạm giữ nhưng phải trong điều kiện phù hợp và được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ sở giam giữ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất