Luật sư Việt Dũng

Công ty không ký kết HĐLĐ, không tham gia BHXH, NLĐ có thể khởi kiện không?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về giải quyết tranh chấp lao động khi người sử dụng lao động không kí kết hợp đồng lao động và giải quyết chưa thỏa đáng vấn đề bảo hiểm xã hội. Nội dung tư vấn như sau:

 

 Tôi ký hợp đồng thử việc với công ty từ ngày 15/11/2017 đến 15/01/2018. Sau đó, tôi tiếp tục làm việc chính thức tại công ty đến hết ngày 12/05/2018 nhưng k có hợp đồng lao động chính thức. Khi trao đổi phỏng vấn, công ty đồng ý đóng đầy đủ bảo hiểm cho tôi khi tôi bắt đầu làm chính thức (từ ngày 15/01/2018 trở đi). Tháng 02 và tháng 03  tôi nhận thêm 24% (tương ứng 1trđ) phần bảo hiểm doanh nghiệp đóng cho người lao động cùng với lương tháng của tôi, do công ty chưa làm thủ tục đóng cho cơ quan bảo hiểm nên tôi nhận tiền bảo hiểm từ công ty. Đến kỳ nhận lương tháng 4, công ty không trả cho tôi 24% tiền bảo hiểm đồng thời truy thu 2trđ tiền bảo hiểm của tháng 2 và tháng 3. Lý do công ty đưa ra là: - Công ty giao cho tôi việc khai báo thủ tục đóng bảo hiểm cho nhân viên công ty , nhưng tôi chưa làm kịp thì tôi phải chịu trách nhiệm, công ty chỉ đồng ý đóng lên cơ quan bảo hiểm, chứ k đồng ý trả trực tiếp cho tôi. (Nhưng bảng lương hàng tháng tôi lập có phần chi 1trđ tiền bảo hiểm cho tôi giám đốc đều ký duyệt).Tôi đã trình bày rất rõ về khối lượng công việc tôi đảm nhận tại công ty là lớn, khối văn phòng có mình tôi phụ trách, tôi làm các công việc gấp theo yêu cầu của ban lãnh đạo (3 người) nên không kịp xử lý phần bảo hiểm cho công ty. - Kế toán trưởng mới của công ty nói rằng, phần bảo hiểm công ty đóng lên CQBH là đóng vào quỹ phúc lợi nhà nước chứ k phải đóng cho tôi (là người lao động) do đó, công ty k đóng lên CQBH thì không cần phải trả tiền cho tôi.Như vậy, hiện công ty đang giữ của tôi 3 trđ tiền bảo hiểm và lương của tháng 05/2018. Kế toán trưởng mới hiện đã làm thủ tục bảo hiểm cho công ty nên tôi có đề xuất phương án là công ty sẽ đóng bảo hiểm tháng 02,03,04 cho tôi vào tháng 04,05,06 thì công ty cũng không đồng ý. Tôi đã có ý định bỏ vụ này, nhưng thái độ và cách hành xử của các lãnh đạo khiến tôi thực sự rất muốn khiếu nại lên CQBH.

 Tôi kính mong các Quý luật sư tư vấn giúp tôi các vấn đề sau:

 1. Tôi chỉ có HĐLĐ thử việc, không có HĐLĐ chính thức nhưng các giấy tờ ủy quyền cho tôi với chức vụ kế toán để làm việc với ngân hàng, sở KH&ĐT TP.HN, người lập hóa đơn,ủy nhiệm chi, rút séc,... có chữ ký của tôi có được xem là chứng cứ chứng mình tôi làm việc chính thức tại công ty không?

2. Để khiếu nại lên CQBH tôi cần chuẩn bị những hồ sơ gì? trình tự thủ tục ra sao?3. Hiện tại, tôi cần nghiên cứu những văn bản luật nào để phục vụ cho việc khiếu nại công ty liên quan đến vấn đề tranh chấp bảo hiểm của tôi.Tôi xin cám ơn Quý Luật và các Luật sư!Tôi rất mong nhận được tư vấn sớm nhất từ Quý Luật.Tôi xin chân thành cám ơn! 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, quan hệ lao động giữa NLĐ và doanh nghiệp.

 

Căn cứ quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể:

 

Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động

 

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

 

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

 

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

 

Như vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động làm việc cho mình là phải tiến hành giao kết hợp đồng lao đông và tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Theo đó, việc công ty không tiến hành giao kết hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội được xác định là hành vi vi phạm về giao kết hợp đồng của công ty và có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải đưa ra căn cứ chứng minh việc tồn tại quan hệ lao động giữa bạn và công ty. Việc chứng minh có thể thông qua một số cách thức như: văn bản xác nhận của những người cùng làm việc với bạn tại thời điểm đó. Ngoài ra bạn  có thể thông qua bảng thanh toán tiền lương hàng tháng, xác nhận của kế toán có trả lương từ thời điểm này.  Tài liệu trao đổi công việc giữa công ty và bạn, biên bản phân công công việc như giấy tờ ủy quyền cho bạn với chức vụ kế toán để làm việc với ngân hàng, sở KH&ĐT TP.HN, người lập hóa đơn,ủy nhiệm chi, rút séc,... có chữ ký của bạn hoàn toàn là cơ căn cứ chứng minh quan hệ lao động với doanh nghiệp. 

 

Thứ hai, giải quyết tranh chấp lao động.

 

Căn cứ theo quy định tại điều 200 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi giải quyết tranh chấp lao động bạn thể lựa chọn hình thức hòa giải, khởi kiện hoặc khiếu nại. Cụ thể:

 

Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

 

1. Hoà giải viên lao động.

 

2. Toà án nhân dân.

 

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

 

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

 

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

.....

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Do đó bạn có thể lựa chọn một là thông qua thủ tục khiếu nại lần đầu đến trực tiếp công ty, nếu doanh nghiệp không giải quyết chị có quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở hoặc nơi cư trú của bạn . Hai là thông qua thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở hoặc nơi bạn cư trú. 

 

Các văn bản liên quan đến vụ việc của bạn, có thể tham khảo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 , Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị định 95/2013/NĐ - CP và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,...

 

Trân trọng!

CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo