Luật sư Dương Châm

Đóng tiếp bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc thế nào?

Bảo hiểm xã hội được xem như một sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong trường hợp họ bị giảm hoặc mất thu nhập, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Đối tượng người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia đóng hàng tháng. Vậy việc đóng tiếp bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc và các vấn đề khác liên quan quy định thế nào? Qua bài viết sau Luật Minh Gia sẽ tư vấn cụ thể:

Câu hỏi:

Em làm việc tại 3 công ty. Công ty thứ 1 Bảo hiểm xã hội của em được 6 năm 1 tháng, em đã lãnh 6 năm bhxh còn lại 1 tháng. Em mới vào công ty thứ 2 đóng bhxh 1 tháng, do có việc nên em viết đơn nghỉ trong ngày và nghỉ ngang. Bây giờ em lên lấy sổ bảo hiểm người ta bắt bồi thường tiền em không có nên không bồi thường. Nay em vào công ty thứ 3. Vậy e muốn bỏ 1 tháng bhxh công ty thứ 2 được không, bây giờ nạp bhxh vào cty thứ 3 này thì sau này lãnh bhxh có ảnh hưởng gì không. Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì phải báo trước 45 ngày, hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng-24 tháng báo trước 30 ngày và báo trước 3 ngày đối với hợp đồng dưới 12 tháng.

“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;”

Trường hợp khi làm việc tại công ty thứ 2, bạn không thông báo trước mà tự ý nghỉ ngang được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Do đó, theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019 công ty có quyền yêu cầu bạn phải bồi thường nửa tháng tiền lương và tiền lương trong những ngày vi phạm thời hạn báo trước. Tuy nhiên, việc giữ sổ bảo hiểm của người lao động là trái với quy định của pháp luật. Căn cứ vào Điểm a Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì trách nhiệm của công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động là trong vòng 14 ngày hoặc trong một số trường hợp đặc biệt kéo dài 30 ngày thì phải hoàn thành thủ tục trả giấy tờ, hồ sơ, sổ bảo hiểm cho người lao động.

Trong trường hợp này nếu sau khi trao đổi, công ty vẫn cố tình không trả sổ BHXH, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH. Nếu công ty vẫn không giải quyết thì bạn có thể gửi đơn đến Phòng Lao động Thương binh - xã hội để yêu cầu giải quyết.

Về mặt nguyên tắc mỗi người sẽ chỉ được cấp một sổ BHXH với thông tin cá nhân và số CMND. Khi nghỉ việc bạn được công ty phải chốt, trả sổ BHXH và khi đi làm tại công ty mới bạn cung cấp sổ BHXH này cho công ty để tiếp tục tham gia BHXH vào số sổ đã được cấp. Dù hiện tại chưa lấy được sổ BHXH nhưng nếu bạn làm công ty thứ 3 thì vẫn có thể tiếp tục đóng vào số sổ cũ. Bạn có thể cung cấp số sổ BHXH của mình để công ty thứ 3 tiếp tục tham gia BHXH cho bạn.

Bạn có thể đóng tiếp BHXH căn cứ trên số sổ đã được cấp mà không cần cung cấp bản gốc sổ BHXH, tuy nhiên khi bạn muốn hưởng các chế độ sau này như BHXH một lần, bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu… thì cơ quan BHXH yêu cầu bắt buộc phải xuất trình sổ BHXH. Do đó, bạn cần yêu cầu công ty thứ 2 trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho mình theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo