Công ty có được giữ lương khi NLĐ gây ra thiệt hại cho công ty không?
1. Luật sư tư vấn pháp luật lao động
Thực tế hiện nay, tình trạng người lao động gây ra thiệt hại về mặt tài sản cho công ty diễn ra khá phổ biến. Theo đó, người sử dụng lao động thường áp dụng các biện pháp như khấu trừ tiền lương hoặc giữ lương của người lao động; việc áp dụng các hình thức như vậy thường dựa theo cảm tính và không tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục mà pháp luật quy định. Điều này dẫn đến phát sinh các tranh chấp không đáng có; đồng thời, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp của bạn gặp phải tình trạng tương tự như trên, doanh nghiệp cần phải tham khảo kỹ các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến luật sư chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật lao động. Trong trường hợp không nắm rõ các quy định của pháp luật hoặc không có luật sư riêng, bạn có thể liên hệ đến công ty Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi giải đáp và đưa ra các phương án cụ thể, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để bảo vệ quyền lợi của mình.
2. Tư vấn về trường hợp công ty giữ lương của người lao động khi người lao động gây thiệt hại cho công ty
Câu hỏi: Gửi văn phòng Luật Minh Gia, Em muốn nhờ tư vấn một vấn đề như sau: Công ty em là công ty vốn đầu tư của nước ngoài, và công ty em có thuê 1 căn hộ cho các sếp ở, hợp đồng 1 năm, và trong hợp đồng có ghi rõ nếu như hết hạn hợp đồng và công ty không có nhu cầu thuê tiếp thì sẽ phải làm biên bản thông báo thanh lý hợp đồng ít nhất là 1 tháng nếu không sẽ bị phạt số tiền là 2 tháng tiền nhà tương đương 120 triệu. Công ty em có 1 nhân viên quản lý căn hộ đó, và đến khi chuẩn bị kết thúc hợp đồng thuê nhà 2 tháng thì các sếp đã yêu cầu nhân viên làm biên bản thanh lý hợp đồng, và cũng thông báo cho phía chủ nhà về việc không tiếp tục gia hạn hợp đồng. Sau đó thì phía chủ nhà cũng có gửi yêu cầu tới nhân viên quản lý nhà ở bên em để làm biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nhân viên này KHÔNG làm biên bản thanh lý dẫn đến việc công ty bị phạt 120 triệu đồng.
Hiện tại công ty đang không trả lương cho nhân viên này, và có viết thông báo cho người lao động đây là khoản tiền bồi thường cho công ty bởi thiệt hại này. Vậy thì công ty em làm vậy là đúng hay sai ạ, và có điều khoản nào quy định về việc thiệt hại do người lao động cố ý gây ra cho công ty và phải bồi thường hay không? Em xin cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, công ty bạn cử nhân viên để quản lý căn hộ do công ty thuê. Tuy nhiên, thông tin không thể hiện rõ việc quản lý căn hộ có được thỏa thuận là công việc của người lao động trong hợp đồng lao động hay không?
Vì vậy, vụ việc của công ty bạn có thể phát sinh theo hai chiều hướng như sau:
Trường hợp thứ nhất: Nếu hợp đồng lao động thể hiện rõ công việc của người lao động là quản lý căn hộ, tuân thủ và thực hiện hợp đồng thuê nhà thì người lao động có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Trong quá trình quản lý căn hộ, nếu người lao động không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dẫn đến việc gây thiệt hại về tài sản cho công ty với số tiền thiệt hại lên đến 120 triệu đồng thì sẽ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”
Trong trường hợp công ty có căn cứ để xác định người lao động do sơ suất gây thiệt hại không nghiêm trọng (không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng) thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ tiền lương hằng tháng của người lao động không được quá 30% tiền lương theo Khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.”
Đồng thời, Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nguyên tắc người lao động cần phải được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Do đó, nếu công ty giữ lương của người lao động với lý do là người lao động không làm biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà dẫn đến thiệt hại 120 triệu đồng cho công ty là không có căn cứ.
Như vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, công ty phải trả lương đầy đủ cho người lao động và yêu cầu người lao động bồi thường cho công ty theo quy định của pháp luật. Nếu người lao động không thực hiện bồi thường, công ty có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người lao động đang cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thông tin bạn đưa ra không thể hiện rõ công ty của bạn đang có trụ sở tại vùng nào. Do đó, không thể xác định cụ thể trường hợp của bạn áp dụng mức bồi thường theo Khoản 1 hay Khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn xác định mức bồi thường cụ thể.
Trường hợp thứ hai: Hợp đồng lao động không có thỏa thuận buộc người lao động phải có trách nhiệm quản lý căn hộ, tuân thủ và thực hiện hợp đồng thuê nhà của công ty.
Về nguyên tắc, người lao động chỉ có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động
…
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.”
Do đó, nếu hợp đồng lao động không yêu cầu người lao động phải có nghĩa vụ quản lý việc sử dụng căn hộ cũng như quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà thì không có căn cứ để yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại 120 triệu cho công ty.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất