Công thức tính lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi
Mục lục bài viết
1. Tư vấn quy định pháp luật lao động về nghỉ hưu trước tuổi
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người lao động làm việc đã có thâm niên tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vì những lý do như gặp các vấn đề về sức khỏe, tinh giảm biên chế…thường được cho nghỉ hưu trước tuổi. Vậy nghỉ hưu trước tuổi có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không? Người lao động cần đáp ứng những điều kiện gì để được hưởng chế độ hưu trí? Cách tính lương hưu nghỉ trước tuổi như thế nào?
2. Nghỉ hưu trước tuổi và cách tính lương hưu nghỉ trước tuổi
Câu hỏi tư vấn:
Tôi sinh 8/1964 nhập ngũ 8/1983 đến tháng 11 năm 1986 thì xuất ngũ, tháng 01 năm 1989 thì được tuyển dụng vào làm việc tại công ty chiếu bóng huyện Kỳ anh, đến tháng 10/1993 chuyển sang Công Ty Phát Hành sách kỳ anh, sau đó nhập với Công ty tỉnh, đến năm 2004, chuyển sang Công Ty cổ phần, hưởng lương theo hệ số nhà nước quy định, đến năm 2017 thì chuyển sang hưởng và nộp BHXH theo quy định vùng. Nếu tính nộp bảo hiểm đã hơn 36 năm. Vậy xin hỏi luật sư tôi muốn về hưu trước tuổi thì cách tính lương hưu đươc hưởng và cách tính như thế nào? Xin trân trọng cảm ơn.
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng lưu hưu theo quy định pháp luật
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động tham gia BHXH đủ 20 năm trở lên được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Cụ thể, quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2019 về tuổi nghỉ hưu như sau:
“Điều 169. Tuổi nghỉ hưu
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo quy định trên, kể từ năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu của trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Trường hợp Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.
Theo thông tin bác cung cấp, bác sinh 8/1964 tức năm nay 57 tuổi, bác không làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Do vậy hiện nay bác chỉ được nghỉ hưu nếu bị suy giảm khả năng lao động theo Điều 55 Luật BHXH năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019) về điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động như sau:
“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
…”
Như vậy, hiện nay bác 57 tuổi nên để được nghỉ hưu trước tuổi và nhận lương hưu thì bác cần đi giám định sức khỏe và mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bác cần chuẩn bị một bộ hồ sơ giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT và gửi đến Hội đồng giám định y khoa nơi bác làm việc hoặc cư trú để được giám định sức khỏe.
Thứ hai, cách tính lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 về mức lương hưu hàng tháng như sau:
“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.”
Theo đó, bác đã tham gia BHXH được 36 năm. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bác được tính như sau:
+ 19 năm đầu tham gia BHXH tương ứng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
+ 17 năm còn lại tham gia BHXH tương ứng: 17 x 2% = 34% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của bác được mức tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu bác nghỉ hưu trước 3 tuổi thì bị trừ 6% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Khi đó, tỷ lệ hưởng lương hưu của bác là: 69% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo quy định tại Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội. Do bác có thời gian làm việc trong nhà nước và thời gian làm việc ngoài doanh nghiệp nên mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính chung cho các thời gian theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất