Lại Thị Nhật Lệ

Công chứng viên là gì? Vai trò của hoạt động công chứng?

Công chứng là một hoạt động quan trọng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thông qua hoạt động công chứng và các quy định hướng dẫn, điều chỉnh pháp luật trở thành hiện thực sinh động của đời sống xã hội, thành hành vi xử sự theo đúng pháp luật. Công chứng là hoạt động có vai trò rất lớn đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế. Để phòng ngừa các tranh chấp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại mà đương sự tham gia. Vậy công chứng viên là gì ? Vai trò của công chứng được thể hiện như thế nào các bạn có thể tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Công chứng viên là gì theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng 2014 thì công chứng viên được hiểu là những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Về điều kiện để hành nghề công chứng được quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 như sau :

- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

+ Có bằng cử nhân luật;

+ Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

+ Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

+ Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

+ Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Tóm lại, công chứng viên là một chức danh tư pháp, được nhà nước bổ nhiệm theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Để trở thành công chứng viên, đòi hỏi cá nhân cần có một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm và đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Mặt khác, công chứng viên còn được xem là “thẩm phán phòng ngừa”, là người bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu công chứng. Bởi vì, các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng viên chứng nhận phải luôn đảm bảo được tính xác thực, tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội.

2. Vai trò của hoạt động công chứng

Thứ nhất, công chứng là một hoạt động quan trọng; một thể chế không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền. Thông qua hoạt động công chứng và các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; giao dịch cụ thể, được thực hiện hóa và các bên tham gia hợp đồng; giao dịch tự nguyện thực hiện quyền và nghĩa vụ đã xác định trước đó. Đồng thời hoạt động công chứng cũng góp phần đảm bảo những giao dịch dân sự được thực hiện đúng với quy định của pháp luật về cả hình thức và nội dung.

Thứ hai, công chứng là hoạt động góp phần giúp nhà nước quản lý xã hội tốt hơn; nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dân sự,….Thông qua hoạt động công chứng góp phần phòng ngừa những tranh chấp phát sinh của các bên sau khi đã xác lập những giao dịch trên.

Thứ ba, hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; từng địa phương, góp phấn thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Công chứng tạo và cung cấp chứng cứ cho hoạt động tố tụng; khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên trong quan hệ dân sự, thương mại, hành chính,… Văn bản công chứng có giá trị như chứng cứ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của những cá nhân, tổ chức; trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Trân trọng !

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169