Công chức sinh con thứ 3 có bị kéo dài thời gian nâng lương?
Đối với trường hợp người lao động là công chức, viên chức, Đảng viên khi có nhu cầu sinh con thứ ba sẽ đối diện với nhiều vấn đề pháp lý bất lợi. Công chức có bị kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên khi sinh con thứ ba không? Công ty Luật Minh Gia tư vấn và giải đáp quy định pháp luật về vấn đề trên.
Câu hỏi: Tôi là công chức, tháng 8/2022 tôi sinh con thứ 3. Đến nay chi bộ cơ quan và lãnh đạo cơ quan nơi tôi công tác chưa có hình thức kỷ luật với tôi. Tháng 12/2022, là đến thời gian tôi được tăng lương theo quy định 3 năm 1 lần. Vậy xin hỏi liệu tôi có được tăng lương theo quy định hay bị kéo dài thời gian tăng lương. Cơ sở để kéo dài là quyết định kỷ luật về mặt Đảng đối với tôi hay là cơ sở nào khác? Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
- Thứ nhất, hình thức kỷ luật đối với công chức, Đảng viên sinh con thứ 3:
Xử lý kỷ luật đối với Đảng viên:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 27 Quy định 102/2017-QĐ/TW thì: "Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:..."
Tuy nhiên, Quy định 69/2022-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 06/07/2022 thay thế Quy định 102/2017-QĐ/TW đã không còn quy định việc sinh con thứ ba mà thay vào đó là quy định "Vi phạm chính sách dân số" theo Điểm b Khoản 1 Điều 53 là hành vi vi phạm cần phải xử lý kỷ luật đối với Đảng viên với hình thức là khiển trách.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 2 Quy định 69/2022-QĐ/TW quy định như sau: " Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể. "
Do đó, ngoài việc bị xử lý kỷ luật Đảng trường hợp sinh ba con thì chị cũng là công chức nên cơ quan chị đang công tác và làm việc sẽ xem xét các quy định của pháp luật để xử lý kỷ luật đối với công chức sinh con thứ 3.
Xử lý kỷ luật đối với Công chức: Căn cứ quy định tại Khoản 9 Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP năm 2020 thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình...thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Mà theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP quy định:
“Điều 2. Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.”
Vậy, chị cần phải xem lại trường hợp của chị có thuộc trong trường hợp chị sinh con thứ 3 nào trong các trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con như trên không. Nếu trường hợp của chị không thuộc trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Khoản 9 Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
- Thứ hai, về điều kiện nâng lương thường xuyên:
Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV năm 2013 hướng dẫn nâng bậc lương công chức quy định:
"Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
Đối với cán bộ, công chức:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức."
Như vậy, điều kiện để nâng bậc lương thường xuyên là không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức. Trường hợp công chức bị kỷ luật khiển trách thì bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng.
Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Do vậy, với quy định nâng lương của công chức như trên thì chị phải bị đơn vị công tác xử lý kỷ luật công chức mới được xem là căn cứ để kéo dài thời hạn nâng bậc lương thường xuyên.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay mới phía đơn vị công tác chưa có hình thức kỷ luật công chức. Nên nếu đến thời hạn nâng lương rồi mà vẫn chưa có quyết định xử lý kỷ luật thì chị vẫn có thể được nâng lương bình thường.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất