Công bố bản án là gì? Khi nào bản án có hiệu lực pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Bản án là gì?
Trước hết, chúng ta cùng đi tìm hiểu về khái niệm bản án. Đây là một loại văn bản đặc trưng và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Tòa án. Theo quy định pháp luật, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án theo trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ. Hơn nữa, loại văn bản này cũng mang tính bắt buộc, cưỡng chế thi hành đối với chủ thể bị áp dụng.
Như vậy, có thể hiểu về khái niệm bản án như sau: Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ viết bản án.
2. Công bố bản án là gì?
Định nghĩa nêu trên cũng đã phần nào làm rõ được khái niệm về công bố bản án. Theo đó, quy định này được hiểu là việc thông báo công khai phán quyết của Tòa án ra các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo cho người dân có quyền được xem xét, nghiên cứu các vấn đề trong thực tiễn xét xử, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Có thể nói, đây không chỉ là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử mà còn là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán.
Việc công bố bản án được thực hiện trên nhiều phương tiện khác nhau như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, đăng Công báo, niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác, thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định pháp luật,.. Tuy vậy, kể từ ngày 01/07/2017 khi Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án có hiệu lực thi hành, phần lớn các bản án, quyết định của Tòa được đăng tải công khai trên Cổng thông tin.
3. Nguyên tắc công bố bản án
Điều 2 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP quy định cụ thể về nguyên tắc công bố bản án như sau:
“Điều 2. Nguyên tắc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
1. Việc công bố bản án, quyết định phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Việc công bố bản án, quyết định không được xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Bản án, quyết định được công bố phải bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
4. Không được sử dụng bản án, quyết định công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vào những mục đích trái pháp luật.”
Trong khi thực hiện công bố bản án, Tòa án phải cân nhắc, xem xét cụ thể những nguyên tắc nêu trên để ra quyết định hợp lý. Cũng từ những nguyên tắc đó mà pháp luật đã quy định cụ thể những trường hợp mà bản án được công bố hoặc không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, theo điều 3 và điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.
4. Khi nào bản án có hiệu lực pháp luật?
Để xác định thời điểm bản án có hiệu lực, trước tiên cần phải căn cứ vào lĩnh vực của bản án để phân loại và tra cứu trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các vụ việc được Tòa án xét xử được phân chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: dân sự, hình sự và hành chính và quy định cụ thể trong những văn bản tố tụng liên quan như sau:
- Bản án dân sự theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Đối với cấp sơ thẩm
Đối với cấp xét xử này, hiệu lực pháp luật của bản án được áp dụng theo khoản 2 điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau: “2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Về thời hạn kháng cáo, theo quy định tại khoản 1 điều 273: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.”
Đối với thời hạn kháng nghị theo khoản 1 điều 280 quy định: “1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.”
Như vậy, căn cứ vào các thời hạn nêu trên, chúng ta có thể dễ dàng xác định thời điểm có hiệu lực của bản án dân sự cấp sơ thẩm trong trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị.
Trong trường hợp bản án sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay (theo khoản 1 điều 282). Cụ thể, những bản án của này được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 482 bao gồm:
“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
Đối với cấp phúc thẩm
Đối với bản án dân sự cấp phúc thẩm, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án theo quy định tại khoản 6 điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Bản án hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Đối với cấp sơ thẩm
Tương tự như đối với bản án dân sự, hiệu lực của bản án hình sự không bị kháng cáo, kháng nghị cũng được xác định kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
Trong đó, về thời hạn kháng cáo, khoản 1 điều 333 quy định như sau: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.”
Thời hạn kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm thực hiện theo khoản 1 điều 337: “1. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.”
Đối với cấp phúc thẩm
Những bản án cấp sơ thẩm sau khi bị kháng cáo, kháng nghị sẽ được đưa ra giải quyết theo thủ tục phúc thẩm và bản án cấp phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (khoản 2 điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
- Bản án hành chính theo Luật tố tụng hành chính 2015
Đối với cấp sơ thẩm
Hiệu lực của bản án được xác định theo khoản 2 điều 215 như sau: “2. Bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Thời hạn kháng cáo đối với bản án hành chính cấp sơ thẩm theo khoản 1 điều 206: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.”
Thời hạn kháng nghị đối với bản án hành chính cấp sơ thẩm: “1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.” (khoản 1 điều 213).
Những bản án hành chính bị kháng cáo, kháng nghị sẽ chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay. Theo đó, trường hợp duy nhất bản án được thi hành ngay theo khoản 1 điều 202 như sau: “1. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.”
Đối với cấp phúc thẩm
Tương tự như đối với các bản án trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, bản án hành chính cấp phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (theo khoản 7 điều 242).
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất