Nguyễn Thu Trang

Cố ý hủy hoại tài sản của người khác bị xử lý thế nào?

Hiến pháp đã nêu “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, nghĩa là bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý, không có sự phân biệt dù là người bình thường hay người có chức vụ quyền hạn. Việc xử lý những người có chức vụ, quyền hạn có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như thế nào sẽ được Luật Minh Gia tư vấn chi tiết dưới đây:

1. Hành vi cố ý hủy hoại tài sản

Trong đời sống hàng ngày, quan hệ sở hữu là quan hệ thường xuyên bị xâm phạm, đặc biệt là việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Nguyên nhân của việc này chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn thường ngày, vì quá bức xúc, không giữ được bình tĩnh nên có hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của người khác.

Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật là người có chức vụ quyền hạn như cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước hay là Đảng viên,... thì vẫn bị xử lý theo quy định, nhưng tùy từng trường hợp mà được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và có mức phạt khác nhau.

Để hiểu rõ hơn về việc xử lý hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bạn có thể tham khảo bài tư vấn dưới đây của Luật Minh Gia.

2. Tư vấn hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác do tranh chấp đất đai

Câu hỏi:

Kính thưa luật sư tôi có câu hỏi như sau: Nhà tôi có hai mẫu đất khoảng 2 hecta đất bỏ hoang khoảng 4 năm. Vào năm 2020 thì có ông M. đã tự ý rào quanh và trồng trọt trên đất nhà tôi và cấm không cho gia đình tôi sử dụng. Trong lúc bực tức tôi đã chặt khoảng 15m cột rào của ông M. đã rào quanh diện tích đất nhà tôi. Sau đó ông M. biết là tôi đã phá hàng rào nên ông đã cầm gậy đón doạ đánh tôi và phá hỏng hết chiếc xe của tôi. Tôi xin nói thêm là ông M. trên cương vị là một đại úy công an, chức vụ trưởng công an xã thì ông M. cần phải chịu những trách nhiệm nào?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của anh, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo thông tin anh cung cấp, 02 ha đất gia đình anh đã bỏ hoang không sử dụng khoảng 04 năm. Căn cứ quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, mảnh đất thuộc trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;”

Nếu ông M. chưa được giao đất mà tự ý rào đất và trồng cây trên đất thì ông M. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về hành vi lấn, chiếm đất đai. Vì vậy, gia đình anh cần kiểm tra lại hồ sơ địa chính, các giấy tờ về quyền sử dụng đất và quyết định thu hồi để xác định gia đình còn quyền sử dụng phần diện tích đất này hay không.

Mặc dù nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp đất đai nhưng hành vi anh tự ý chặt cột rào của ông M. và hành vi ông M. phá xe máy của anh đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, phụ thuộc vào phần giá trị tài sản mà mỗi bên hủy hoại hoặc làm hư hỏng:

- Nếu giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng dưới 2 triệu đồng và trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính / bị kết án về hành vi này thì xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

...

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

...”

- Nếu giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này/ đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về tội này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

...”

Như vậy, căn cứ theo giá trị tài sản bị hư hỏng, hủy hoại và nhân thân của mỗi người mà anh và ông M. có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Dù ông M. là công an nhưng nếu ông M. có hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định, mặt khác, ông M còn có thể bị xem xét kỷ luật vì là trưởng Công an xã.

Ngoài ra, các bên còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên còn lại theo quy định của Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như: Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí sửa chữa, khắc phục;...

Theo đó, gia đình anh có thể nộp đơn đề nghị giải quyết tranh chấp hoặc đề nghị xử lý hành vi vi phạm của ông M. về đất đai (nếu có căn cứ) đến UBND cấp xã và nộp đơn trình báo sự việc ông M. hủy hoại tài sản đến Cơ quan Công an cấp huyện để xem xét xử lý.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169