Đinh Thị Minh Nguyệt

Cố ý gây thương tích cho người khác xử lý như thế nào?

Đất đai là một trong những tài nguyên quan trọng mang giá trị kinh tế lớn nên không thể tránh khỏi tình trạng tranh chấp. Nhiều trường hợp mâu thuẫn, xô xát nhau đã dẫn đến những tổn thương về sức khoẻ cho những người khác.

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính chào Luật sư công ty luật Minh Gia: Em tên là Hoàng V T em có một câu hỏi về tranh chấp đất đai dẫn đến xô xát đánh nhau, rất mong nhận được lời giải đáp từ luật sư cho câu hỏi của em.

Vào hồi 08h sáng ngày 20/10/2013 gia đình ông A và gia đình ông B có xảy ra vụ tranh chấp đất đai, sau khi sảy ra vụ tranh chấp gia đình ông A đã mời công an về giải quyết. Công an giải quyết song cả hai bên gia đình ông A và ông B đều đồng ý với quyết định của công an song rồi thì ai về nhà nấy. Đến hồi 13h cùng ngày ông B lại lên sân nhà ông C (ông C là em trai của ông A) quấy nhiễu và khiêu khích. Sau đó, ông A biết tin nên đi xuống nhà ông B để hỏi nguyên nhân sự việc thực như thế nào nhưng ông A vừa xuống tới sân nhà ông B thì bất ngờ ông B dùng đòn gánh đánh vào đầu và tay của ông A khiến ông A bị thương nặng phải nhập viện. Sau khi xảy ra sự việc như vậy con trai và em trai của ông A có cầm dao cầm cây xuống nhà ông B để giải cứu để đưa ông A đi bệnh viện. Diễn biến sự việc là như vậy.

Vậy thì luật sư cho em hỏi gia đình ông A có bị sai không?

Nếu gia đình ông A đúng thì có khởi kiện ông B vê tội cố ý gây thương tích được không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi của gia đình ông A

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình A và B có xảy ra tranh chấp đất đai và đã được Công an giải quyết. Sau đó ông B lại cố ý gây sự, khiêu khích C và A biết tin đến nhà B để hỏi rõ câu chuyện. Tuy nhiên A đã bị B đánh vào đầu và tay. Gia đình A đã cầm dao cây đến nhà B để giải cứu và đưa A đi viện.

Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa thể xác định được việc gia đình A cầm dao cây đến nhà B có gây ra bất kỳ tổn hại sức khoẻ nào đến B hay người khác không nên có thể xảy ra hai trường hợp, cụ thể: 

- Hành vi cầm dao cây đến đến nhà B nhưng chưa gây ra bất kỳ tổn hại sức khoẻ nào cho người khác có thể bị xử phạt hành chính về tội “Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương” theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Hành vi cầm dao cây đến đến nhà B nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho B thì có thể vị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích cho người khác" theo phân tích dưới đây.

Thứ hai, về việc khởi kiện ông B tội cố ý gây thương tích

Theo quy định pháp luật, hành vi cố ý gây thương tích tuỳ vào tính chất, mức độ nghiệm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên chúng tôi xác định như sau:

- Đối với xử phạt vi phạm hành chính: Hành vi B cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho A nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Đồng thời buộc B chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với A

- Đối với truy cứu trách nhiệm hình sự: Tuỳ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của A cũng như hành vi cố ý gây thương tích của B có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 mà B có thể có các khung phạt khác nhau: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; phạt tù từ 02 năm đến 06 năm; phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.

Theo thông tin bạn cung cấp, ông B đã dùng đòn gánh đánh vào đầu và tay của ông A khiến ông A bị thương nặng phải nhập viện. Như vậy, gia đình cần tiến hành giám y khoa cho A để có thể xác định tỉ lệ tổn thương sức khoẻ cũng như xem xét hành vi của B có thuộc một trong các trường hợp quy định trong Bộ luật Hình sự nêu trên không.

Nếu có căn cứ xác định hành vi của B đáp ứng đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì gia đình A có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan công an hoặc tiến hành khởi kiện B ra Toà án về tội “cố ý gây thương tích cho người khác”. Ngược lại, qua quá trình điều tra, xác minh, nếu hành vi chưa đủ để cấu thành tội phạm thì A chỉ bị xử lý vi phạm hành chính thì gia đình A có thể làm đơn cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xử phạt hành chính người này, thanh toán các chi phí khám chữa bệnh, buộc bồi thường chi phí hợp lý cho những tổn thương sức khoẻ cho A.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169