Luật sư Đào Quang Vinh

Cố ý gây thương tích cho người khác hay phòng vệ chính đáng?

Em tôi cãi vã với chồng cô tôi, người dượng dùng cây gỗ đánh mạnh vào cổ em tôi. Cũng may, em tôi dùng tay đỡ được. Và do quá bức xúc trước đòn đánh hiểm của người dượng, em tôi chạy vào chồi canh lấy dao để tự vệ và gây thương tích cho người dượng ở vùng hông, giám định thương thật là 17%. Tôi có một số vấn đề mong Luật Minh Gia giải đáp.

 

Kính chào luật sư, Em tôi năm nay 29 tuổi, trong lúc đi thăm vườn có xảy ra cải vã với chồng cô tôi, trong lúc cải vã, người dượng dùng cây gỗ đánh mạnh vào cổ em tôi. Cũng may, em tôi dùng tay đỡ được. Và do quá bức xúc trước đòn đánh hiểm của người dượng, em tôi chạy vào chồi canh lấy dao để tự vệ và gây thương tích cho người dượng ở vùng hông. Sau đó, người dượng đến công an trình báo với giám định thương tật là 17%. Luật sư cho tôi hỏi: với tình tiết sự việc của em tôi có cấu thành tội cố ý gây thương tích? Nếu cấu thành sẽ chịu mức án như thế nào? Và với tình tiết bị kích động, bị tấn công trước, em tôi có kiện ngược lại được không? (vì nếu em tôi không kịp đỡ đòn đánh ấy, rất có thể em tôi sẽ mất mạng). Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Trân trọng,

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước hết còn phải xem việc em bạn chạy vào chồi canh lấy dao để tránh việc dượng bạn dùng cây gỗ đánh tiếp hay lấy dao cố tình gây vết thương ở vùng hông do quá bức xúc vì đòn đánh hiểm. Nếu bạn dùng dao để ngăn việc dượng đánh tiếp, hành vi chống trả này là cần thiết, không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước hành vi của dượng bạn thì đây là phòng vệ chính đáng. Còn nếu là cố tình lấy dao gây ra vết thương do bức xúc thì đây là cố ý gây thương tích.

 

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức; 

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

 

c) Phạm tội 02 lần trở lên;...”

 

Theo đó, dượng cũng có thể được coi là người nuôi dưỡng, cho nên em bạn có thể sẽ chịu mức phạt theo quy định tại Khoản 2 nêu trên là phạt tù từ 2 đến 6 năm.

 

Còn về với tình tiết bị kích động, bị tấn công trước thì còn phải xem em bạn có bị thương tích gì hay không. Nếu gây thương tích thì bạn cũng có thể kiện lại dượng bạn về việc cố ý gây thương tích. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

...

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;...”

 

Theo quy định nêu trên thì việc em bạn bị kích động về tinh thần thì chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo