Trần Phương Hà

Có thể viết đơn xin không truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi gây tai nạn giao thông hay không?

Cách đây vài hôm mẹ tôi bị tai nạn, theo nhân chứng kể lại lúc đó mẹ tôi đang đứng trên vỉa hè thì bị 1 chiếc xe taxi lao thẳng vào người, nhưng sau đó thay vì đưa mẹ tôi đi cấp cứu thì xe taxi đó lại bỏ trốn. Do sự việc xẩy ra vào đêm nên 20 phút sau mới đưa được đến bệnh viện nhưng không qua khỏi, công an đã hỏi ý kiến gia đình mổ khám nghiệm tìm nguyên nhân gây tử vong để phục vụ điều tra. Kết luận là mẹ tôi bị gẫy xương xườn đâm vào tim.

Lời khai của tài xế gây tai nạn là đã để cho người bạn chưa có bằng lái xe điều khiển xe taxi dẫn đến tai nạn. Sau đó 2 người đều bỏ trốn. Theo bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho mẹ tôi là mẹ tôi vẫn tỉnh, kêu đau, nhưng sau đó 10 phút thì có biểu hiện khó thở và lịm dần đi. Và cho biết nếu tài xế không lái xe bỏ chạy mà thay vào đó đưa mẹ tôi đi cấp cứu thì khả năng cứu được cao hơn. Vậy quý công ty cho tôi hỏi người lái xe taxi và người gây ra tai nạn sẽ phải chịu khung hình phạt nào? Và tôi có thể viết đơn xin không truy cứu trách nhiệm hình sự có được không? Kính mong công ty trả lời giúp tôi.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, ĐIều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

…”

Như vậy, người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến hậu quả chết người trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 với mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Đối với người tài xế taxi, nếu biết rõ bạn của mình không có bằng lái, không đủ điều kiện nhưng vẫn để cho bạn của mình điều khiển phương tiện giao thông thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

…”

Trong trường hợp này Điều 260, Điều 261 Bộ luật hình sự không thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Việc bạn viết đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội trong trường hợp này.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn