Luật sư Vũ Đức Thịnh

Cơ quan cấp dưới chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với cấp trên được không?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy pháp luật lao động hiện nay quy định như thế nào về thẩm quyền giao kết hợp đồng và đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với người lao động? Và các quyền lợi của người lao động được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Cho tôi hỏi Hợp đồng lao động với cấp trên, cấp dưới có quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động không? Cho tôi hỏi: Cơ quan tôi có 02 nhân viên Bảo vệ và Tạp vụ làm việc từ năm 1997 do sở GD&ĐT ký hợp đồng lao động và được BTC chính quyền tỉnh phê duyệt. Đến tháng 7/2021 có quyết định chấm dứt hợp đồng do Phòng GD&ĐT ký. Vậy cho tôi hỏi có đúng hay không và nếu như nghỉ thì được hưởng những chế độ gì? Chân thành cảm ơn! Rất mong được sự hồi âm sớm nhất có thể.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền chấm dứt hợp đồng lao động

Theo thông tin bạn cung cấp, cơ quan bạn có ký hợp đồng lao động với 02 nhân viên là Bảo vệ và Tạp vụ từ năm 1997 do sở GD&ĐT ký hợp đồng và được BTC chính quyền tỉnh phê duyệt. Do đó, đối với trường hợp này, Sở GD&ĐT được coi là người sử dụng lao động và theo nguyên tắc chỉ có người lao động và người sử dụng lao động mới có quyền chấm dứt hợp đồng lao động khi hai bên đã ký kết với nhau. Do vậy, trong trường hợp này, cơ quan có quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là Sở GD&ĐT.

Thứ hai, về các chế độ được hưởng khi nghỉ việc

Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có thể sẽ được hưởng những chế độ theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện. Cụ thể:

+ Chế độ hưu trí:

Theo quy định của Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được sửa đổi bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:

Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

c) Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, để được hưởng chế độ hưu trí theo quy định hiện nay phải đáp ứng được 02 điều kiện: Tham gia bảo hiểm xã hội trên 20 năm; Độ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Theo thông tin bạn cung cấp, 02 người lao động này ký hợp đồng lao động từ năm 1977 nên tính đến năm 2021, 02 người lao động này đã tham gia bảo hiểm xã hội được hơn 20 năm. Nên nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ tại thời điểm nghỉ tại năm 2021 thì sẽ đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí.

+ Trợ cấp thôi việc:

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Điều 46. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo đó, người lao động nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp như: Hết hạn hợp đồng lao động; Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động… thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

+ Trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013 quy định:

Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Do đó, nếu sau khi nghỉ việc người lao động không có việc làm, chưa được hưởng chế độ hưu trí và thực hiện thủ tục hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo