Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Có được kháng cáo bản án phúc thẩm không?

Theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, việc xét xử một vụ án hình sự có thể qua các cấp Sơ thẩm, Phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm. Để tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến Giám đốc thẩm, Tái thẩm bản án hình sự, kính mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:

1. Luật sư tư vấn quy định pháp luật về kháng cáo

Giám đốc thẩm, tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa đã có hiệu lực nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án, có tình tiết mới được phát hiện mà có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án.

Để tìm hiểu rõ quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự bạn có thể tham khảo quy định pháp luật hình sự hoặc liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

+ Căn cứ để xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

+ Thủ tục xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

+ Thời hạn xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Có được kháng cáo bản án phúc thẩm không?

Câu hỏi: Cho em hỏi thời gian kháng cáo từ khi xử phúc thẩm từ bao nhiêu ngày thì hết hạn đối với luật hình sự? Xin cảm ơn luật sư.

Có được kháng cáo bản án phúc thẩm không?
Kháng cáo, kháng nghị

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 27 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm như sau:

Điều 27. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo quy định tại khoản 2 điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay kể từ ngày tuyên án:

Điều 355. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm

2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Do đó, bản án phúc thẩm không thể bị kháng cáo mà chỉ có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ.

Về căn cứ giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 371 và Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 371. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169