Có được gặp người thân trong thời gian bị tạm giam hay không?
Nội dung câu hỏi: Dear Văn phòng luật sư,Hiện nay, tôi đang gặp vấn đề cần tư vấn. Bác tôi có vay nợ để kinh doanh đại lý hàng gia dụng. Nhưng sau một thời gian kinh doanh thì vỡ nợ. Vì không có đủ điều kiện chi trả nên Bác đã bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt lại. Sau khi bị thẩm vấn bác bị tâm thần nên được điều trị tại Bệnh viện tâm thần 2 năm. Tháng 7 vừa qua bác bị tạm giam để điều tra nhưng hơn 1 tháng nay gia đình chưa được gặp với lý do đang điều tra và cũng không biết khi nào mới được gặp. Vậy mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn!Trân trọng.
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bác đang bị tạm giam trong quá trình điều tra . Thời gian tạm giam điều tra tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm, cụ thể được quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau;
“Điều 173. Thời hạn tạm giam để điều tra
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”
Trong quá trình tạm giam để điều tra, bác bạn vẫn có quyền được gặp người thân theo quy định tại Điểm d, khoản 1, Điều 9 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 về Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam quy định Người bị tam giam có quyền sau đây:
“Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
…
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;…”
Thời gian gặp, trình tự thủ tục được xác định theo khoản 1, Điều 22 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 quy định về Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
“Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ ”
Theo đó, bác bạn có quyền được gặp thân nhân trong thời gian bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Thân nhân của người bị tạm giam được xác định theo Luật tạm giam, tạm giữ 2015 là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Phòng Luật sư tư vấn Hình sự- Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất