Có được đề nghị nghỉ thêm đề điều trị ốm đau không?
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau
Để được hưởng chế độ ốm đau người lao động phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội 2014 là bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
Nội dung yêu cầu tư vấn: Cho em xin hỏi: Ở cơ quan em có trường hợp mắc bệnh u trực tràng phải nhập viện điều trị và phẫu thuật cắt bỏ khổi u. Thời gian điều trị từ ngày 06/4/2020 đến ngày 04/6/2020 thì ra viện. Nhưng do tình trạng sức khỏe chưa ổn định, bên BHXH huyện cho đồng chí đó nghỉ 30 ngày và được hưởng lương BHXH 75%. Nhưng đến nay cá nhân đồng chí vẫn còn yếu và thời hạn nghỉ đến hết ngày 10/8/2020. Đồng chí viết đơn xin nghỉ điều trị tại gia đình đến chưa thể đi làm được. Vậy cho em xin hỏi: Đồng chí đó vẫn còn đang điều trị tại nhà thì đồng chí ấy còn được nghỉ chế độ không? Và tính lương như thế nào? Em xin trân thành cảm ơn
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Vì bệnh u trực tràng không thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT, do vậy, thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động sẽ ngắn hơn so với người lao động nghỉ việc do mặc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Tại phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT quy định như sau: “4 Phần ghi chú
Ghi lời dặn của thầy thuốc, Cách ghi lời dặn của thầy thuốc trong một số trường hợp:
- Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú: Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện (từ ngày, đến ngày). Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày, trường hợp đình chỉ thai nghén từ 13 tuần tuổi trở lên thì không quá 50 ngày: Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày.”
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn có trường hợp người lao động nghỉ điều trị ốm đau từ 06/4/2020 đến ngày 04/6/2020, sau đó được BHXH cho nghỉ 30 ngày để ổn định sức khỏe được hưởng bảo hiểm xã hội là đúng với quy định nêu trên.
Trường hợp hết thời gian 30 ngày nêu trên, người lao động vẫn chưa phục hồi sức khỏe thì có thể thỏa thuận với cơ quan để nghỉ không lương theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động 2019 như sau:“3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất