LS Vũ Thảo

Chuyển việc làm cho lao động nữ mang thai

Chào luật sư. Tôi hiện đang mang thai ở tuần thứ 27. Công việc của tôi là nhân viên kho kiêm chạy xe nâng. Trong hợp đồng lao động nói tôi được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm. Tôi thấy việc chạy xe nâng không an toàn cho thai nhi nên yêu cầu công ty từ tháng thứ 7 thay đổi công việc để tôi không chạy xe nữa để an toàn và đảm bảo sức khỏe cho bé.

 

Nhưng sếp của tôi nói nếu tôi không chạy xe thì sẽ không sắp xếp công việc khác cho tôi và yêu cầu tôi nghỉ sớm 2 tháng trước sinh. Sau đủ 6 tháng từ ngày nghỉ sẽ đi làm lại (như thế con tôi chưa đủ 4 tháng) hoặc tôi thấy con còn nhỏ thì xin nghỉ không lương khi nào con được 6 tháng thì đi làm lại. Tôi không đồng ý với ý kiến đó vì yêu cầu thay đổi công việc là quyền lợi của tôi và không có lý do gì tôi phải nghỉ không lương như thế. Sau đó thì sếp tôi trả lời lại tôi là công ty có quyền không thay đổi vị trí làm việc của tôi mà chỉ giải quyết cho tôi đi làm 7h/ ngày. Tôi phải lựa chọn vẫn tiếp tục chạy xe nâng rồi đi làm 7h/ 1 ngày hoặc nghỉ không lương. Chứ nếu không sẽ trả tôi về nhân sự để nhân sự sắp xếp công việc khác cho tôi nhưng như thế tôi sẽ không được hưởng chế độ 7h/ ngày. Vậy cho tôi hỏi:

1. Công ty tôi yêu cầu tôi lựa chọn như thế là đúng hay sai ?

2. Nếu chuyển vị trí làm việc tôi không được hưởng chế độ 7h đúng không ?

2. Tôi có thể liên hệ ai trong công ty để bảo vệ quyền lợi cho tôi ?

 Mong sớm nhận đuọc phản hồi từ văn phòng luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Công ty yêu cầu bạn lựa chọn như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không ?

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật lao động 2012:

 

"2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương."

 

Như vậy, bạn khi mang thai từ tháng thứ 07 sẽ được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng lương đầy đủ, tuy nhiên công việc bạn đang làm phải là công việc nặng nhọc. Theo quy định tại Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cụ thể là danh mục kèm theo thông tư này thì công việc vận hành xe nâng sẽ được coi là công việc nặng nhọc nếu như vận hành xe nâng ( Lưu ý: phải là xe nâng xếp hàng dỡ Container hoặc xe nâng hàng bách hóa mà không phải Container) phải làm trong môi trường làm việc: Bụi, ồn, cường độ khẩn trương.

 

Do bạn không nói rõ bạn lái xe nâng xếp dỡ hàng như thế nào, môi trường làm việc của bạn ra sao, nên chúng tôi chưa thể kết luận chính xác cho bạn công ty làm như vậy có trái pháp luật hay không. Nếu như công việc của bạn thỏa mãn những phân tích ở trên thì việc công ty không chuyển cho bạn làm công việc nhẹ hơn là hành vi trái với quy định của pháp luật -tức là bạn có quyền yêu cầu chuyển làm công việc khác nhẹ hơn.

 

Thứ hai, nếu chuyển việc làm:

 

Điều luật đã quy định cụ thể: Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương

 

Như vậy, bạn chỉ có quyền lựa chọn 1 trong 2 chế độ mà thôi, nếu như bạn đã được chuyển làm công việc khác nhẹ hơn thì bạn sẽ không được hưởng chế độ làm việc 7h/ngày nữa.

 

Thứ ba, bạn sẽ liên lạc với ai trong công ty ?

 

Trường hợp này bạn sẽ liên lạc với hòa giải viên lao động ở trong công ty để giải quyết và đảm bảo quyền lợi ích cho mình.

 

Ngoài ra, chúng tôi tư vấn cho bạn về việc nghỉ thai sản như sau: Điều 157 Bộ luật lao động quy định:

 

"Điều 157. Nghỉ thai sản.

 

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

 

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

 

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

 

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

 

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

 

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

 

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội."

 

Như vậy, bạn có quyền nghỉ trước và sau khi sinh tổng cộng là 06 tháng. Bạn có thể nghỉ trước khi sinh tối đa là 02 tháng. Nếu sau khi sinh con được 04 tháng, bạn thấy con còn nhỏ bạn có thể xin nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương và phải có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Ngô Việt Hoàng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo