LS Thanh Hương

Chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện quyền lợi?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm do nhà nước quy định theo đó người lao động được tự lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Khi tham gia bảo hiểm xã hội người tham gia cũng được quyền hưởng một số chế độ nhất định khi đủ điều kiện. Qua bài viết này Luật Minh Gia tư vấn trường hợp chuyển đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm tự nguyện và các thủ tục liên quan, cụ thể như sau:

1. Tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHXH bắt buộc

- Bên cạnh chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc tham gia khi giao kết quan hệ lao động thì chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng là một loại bảo hiểm xã hội được quy định trong các quy định của luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện là hai chế độ khác nhau do đó, điều kiện, thủ tục, mức tham gia và mức hưởng của hai chế độ này cũng có những khác biệt nhất định.

- Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm có sự hiểu nhầm về hai loại chế độ này dẫn đến nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm không đúng với mục đích và chế độ mong muốn được hưởng.

- Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có thể liên hệ với chúng tôi thông qua các hình thức nêu trên. Chúng tôi có bộ phận tư vấn pháp luật lao động – bảo hiểm sẵn sàng tư vấn cho quý khách khi quý khách có nhu cầu.

2. Chuyển đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang BHXH tự nguyện quyền lợi thế nào?

Câu hỏi:

Chào Luật Minh Gia! Tôi muốn trình bày và hỏi một số thông tin về BHXH và trợ cấp thất nghiệp sau khi đã chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang đóng bảo hiểm tự nguyện như sau: Vợ tôi đã đi làm Công ty và được đóng BHXH theo luật thời gian hơn 5 năm. Vợ tôi đã nghỉ việc tại Công ty từ tháng 09/2016 và ở nhà cho đến nay. Đến tháng 10/2017, vợ tôi bắt đầu tham gia BH tự nguyện theo hộ gia đình.

Tôi muốn hỏi:

- Trường hợp: Hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần.

1. Sau này nếu đi làm lại và Công ty đóng BH theo luật thì số năm tham gia BH quay về 0 đúng không?

2. Tỉ lệ được hưởng trợ cấp 1 lần như thế nào?

3. Thủ tục để được hưởng trợ cấp 1 lần?

- Trường hợp: Giữ nguyên thời gian tham gia BH trước đây cho đến khi đi làm Công ty lại.

1. Thời gian tham gia BH bị ảnh hưởng như thế nào? 2. BH tự nguyện có tính vào thời gian tham gia BH do Công ty đóng không? Và được tính như thế nào? Và vui lòng cho lời khuyên có nên hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần đối với người ở nhà làm tự do trong thời gian dài không? Lợi và thiệt trong 2 trường hợp hưởng và không hưởng trợ cấp một lần? Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

- Về cộng nối thời gian tham gia BHXH (chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện)

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 3 – Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

"... 5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội."

Do vậy, thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện của vợ bạn vẫn được tính vào tổng quá trình đóng bảo hiểm xã hội và được cộng nối với quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó.

Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ chi trả cho hai chế độ hưu trí và tử tuất, do vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện vợ bạn đóng sẽ được cộng nối với bảo hiểm xã hội bắt buộc đóng ở công ty để giải quyết hai chế độ này. Còn những chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì bảo hiểm xã hội tự nguyện không chi trả. 

- Về hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp

Vấn đề hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 46 - Luật Việc làm 2013 như sau:

"Hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập."

Theo đó, nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vợ bạn phải thực hiện lập hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi tới trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương trong thời hạn 3 tháng.

Nếu vợ bạn đã nghỉ việc từ 09/2016, thì đến nay đã quá hạn rất lâu để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên về trợ cấp thất nghiệp vợ bạn sẽ không được hưởng trong thời gian này, mà sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp sau này.

- Về hưởng chế độ BHXH một lần

Theo như thông tin bạn cung cấp, thì chúng tôi hiểu câu hỏi của bạn là vợ bạn đang muốn thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều 60 – Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về bảo hiểm xã hội một lần như sau:

"Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Trường hợp của vợ bạn thuộc vào Điểm b, Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP:

 "Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;"

Bên cạnh đó, căn cứ theo Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định tại khoản 1, Điều 1 như sau:

“Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”

Như vậy, nếu vợ bạn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sau một năm nghỉ việc, hoặc nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì có đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

- Về mức hưởng bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 – Luật Bảo hiểm xã hội có quy định như sau:

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

- Về thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội

Để thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần bạn có thể tham khảo bài viết chúng tôi đã tư vấn tương tự sau đây:

>> Cách tính bảo hiểm xã hội một lần như thế nào?

Khi thực hiện thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, tức là phía cơ quan bảo hiểm đã chi trả toàn bộ quyền lợi đối với quá trình đóng bảo hiểm xã hội trước đó của vợ bạn. Vì vậy, nếu sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần mà vợ bạn muốn quay lại làm ở công ty khác thì vợ bạn phải tham gia bảo hiểm xã hội lại từ đầu.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo