Đinh Thị Minh Nguyệt

Chứng chỉ hành nghề xây dựng là gì? Điều kiện cấp?

Một trong những quy định mà các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng rất quan tâm đó là chứng chỉ hành nghề xây dựng. Đây là loại giấy tờ mà Nhà nước cấp cho những người đảm nhiệm một số chức vụ nhất định trong hoạt động xây dựng. Tất nhiên, để được sở hữu chứng chỉ này thì người dân cần phải đạt đủ điều kiện theo quy định, theo đó các tiêu chí đánh giá để cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng chủ yếu dựa trên năng lực hành vi dân sự, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và bài kiểm tra sát hạch. Do vậy, để biết được các điều kiện cụ thể pháp luật quy định như thế nào, bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Chứng chỉ hành nghề xây dựng là gì?

Pháp luật hiện hành quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại khoản 1 điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau: 

“Điều 62. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.”

Như vậy, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho những cá nhân đảm nhận các chức danh theo khoản 3 điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 bao gồm: 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

53. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 148 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 như sau:

3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III.”

Để nắm rõ hơn về những lĩnh vực xây dựng cụ thể và phạm vi hoạt động của chứng chỉ hành nghề xây dựng, người dân có thể tham khảo quy định tại phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Thời hạn của chứng chỉ hành nghề xây dựng là 05 năm, khi hết thời hạn này thì chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục gia hạn, theo khoản 5 điều 62  Nghị định 15/2021/NĐ-CP: 

“5. Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực 05 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp Điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.

Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.”

2. Những hoạt động xây dựng không yêu cầu chứng chỉ hành nghề   

Không phải công việc nào trong hoạt động xây dựng cũng cần có chứng chỉ hành nghề, cụ thể, đó là các hoạt động xây dựng theo khoản 3 điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP bao gồm: 

“3. Cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định này khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:

a) Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

b) Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;

c) Các hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.”

Như vậy, đối với các cá nhân đảm nhiệm công việc nêu trên thì chứng chỉ hành nghề xây dựng không phải là quy định bắt buộc. 

3. Điều kiện chung để cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng 

Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng như sau: 

Điều 66. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

a) Hạng I; Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;

b) Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;

c) Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

3. Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.”

Căn cứ để cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng được dựa trên năng lực hành vi dân sự, trình độ chuyên môn, thời gian làm việc, kinh nghiệm của cá nhân và được cụ thể hóa trong bài kiểm tra sát hạch liên quan đến lĩnh vực hành nghề. Như vậy, khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn