Nguyễn Ngọc Ánh

Chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu thế nào?

Có rất nhiều trường hợp người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội lại chưa đủ. Vậy trong trường hợp này thì người lao động có bắt buộc phải đóng thêm cho đủ thời gian hay không và nếu không thì việc hưởng BHXH sẽ được tính như thế nào? Đây là vấn đề thắc mắc của rất nhiều người hiện nay. Chính vì thế, bài viết dưới đây của Luật Minh gia sẽ giúp cho bạn đọc có những thông tin hữu ích về vấn đề này.

1. Điều kiện hưởng lương hưu

Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:            

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu có quy định khác;

b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

4. Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt; điều kiện hưởng lương hưu của các đối tượng quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này.”.

Từ 01/01/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực đã thay đổi về độ tuổi nghỉ hưu, cụ thể tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2019 như sau:

“2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”.

Như vậy, đối với người lao động nói chung để được hưởng lương hưu phải đảm bảo điều kiện về tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên, trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì chỉ cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

2. Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và tiếp tục tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu

* Đóng BHXH tự nguyện 1 lần

Người lao động nếu thuộc trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Cụ thể, tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định: “Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”.

* Đóng BHXH bắt buộc 1 lần

Căn cứ tại khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì được đóng 01 lần cho số tháng còn thiếu để được hưởng lương hưu.

Mức đóng: Mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động hàng tháng theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời điểm hưởng lương hưu: Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.

3. Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện

Theo Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần.

Cũng theo khoản 2 Điều này, người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng mức BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo