Luật sư Trần Khánh Thương

Chốt sổ BHXH khi công ty giải thể như thế nào?

Chốt sổ BHXH là thủ tục bắt buộc phải thực hiện khi chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Công ty cũ không chốt sổ BHXH, người lao động phải làm gì? Luật Minh Gia xin được tư vấn về vấn đề này như sau.

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào công ty Luật Minh Gia. Hôm nay tôi gửi thư đến công ty Luật Minh Gia xin giúp tôi tư vấn về bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau. Tôi có làm ở công ty cũ là 3 năm nhưng khi nghỉ việc thì công ty không chốt sổ BHXH được vì còn nợ BHXH, đến nay thì công ty tuyên bố là phá sản rồi và trả sổ BHXH cho tôi nhưng chỉ chốt sổ được một năm thôi.  

Sau đó tôi có nộp sổ cho công ty mới rồi. Tôi muốn hỏi luật sư như sau:

1/ Công ty cũ còn nợ BHXH của tôi 2 năm sẽ như thế nào?.

2/ BHXH có cộng dồn một năm mà công ty cũ đóng cho tôi vào thời gian đóng BHXH ở công ty mới không? Tôi làm ở công ty mới và đóng BHXH được 4 năm 7 tháng rồi.

3/ Làm sau tôi có thể biết được tôi đã đóng BHXH được bao lâu, tôi ở tỉnh Tây Ninh.

Cuối cùng xin chân thành cám ơn công ty Luật Minh Gia đã tư vấn cho tôi

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: xác nhận thời gian đóng BHXH khi công ty nợ BHXH

Theo quy định tại điểm 3.2, khoản 3 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về việc xác nhận thời gian đóng BHXH trong sổ BHXH đối với đơn vị nợ đóng BHXH như sau:

“Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”.

 Trường hợp công ty cũ của bạn đã giải thể nên chỉ chốt được sổ BHXH đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng đủ tiền bảo hiểm (tức được 1 năm). Chỉ sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì mới có thể xác nhận bổ sung 2 năm còn lại trên sổ BHXH cho bạn.

Như vậy, do công ty cũ của bạn đã phá sản nên để thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi công ty cũ của bạn đặt trụ sở chính đề nghị họ xác nhận thời gian đóng BHXH của bạn đến thời điểm công ty đã đóng BHXH cho bạn.

Thứ hai: Quy định về việc cộng dồn thời gian tham gia BHXH

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH”.

Thời gian 1 năm đã đóng BHXH ở công ty cũ của bạn sẽ được cộng dồn vào thời gian tham gia BHXH ở công ty hiện tại. Như vậy, thời gian này sẽ được cộng dồn với thời gian đóng BHXH ở công ty mới là 4 năm 7 tháng. Tổng thời gian bạn tham gia đóng BHXH ở 2 công ty sẽ là 5 năm 7 tháng.

Hiện nay đã có nhiều tỉnh thành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu về thông tin đóng BHXH để có thể tra cứu, bạn có thể tra cứu qua mạng thời gian đóng BHXH của mình.

.............................................................................

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào luật sư! Em có một thắc mắc mong được luật sư giải đáp giúp em: Em làm việc cho công ty bán lẻ từ tháng 2/2013 và đến tháng 7/2014 thì công ty được chuyển nhượng cho công ty B. Nhưng công ty bán lẻ chỉ đóng bảo hiểm cho em đến hết tháng 5/2013, từ tháng 6/2013 đến 6/2014 công ty bán lẻ vẫn chưa đóng bảo hiểm cho em. Sau khi chuyển qua công ty mới thì bên công ty bán lẻ vẫn chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội cho em và tính đến nay đã 2 năm. Em có liên hệ bên công ty mẹ của công ty bán lẻ nhưng không được giải quyết chốt sổ bảo hiểm với lý do là công ty đang nợ tiền bảo hiểm quá nhiều không thể chốt sổ cho em được. Và em được kế toán  hướng dẫn em lên cơ quan bảo hiểm làm đơn xin hủy quá trình đóng bảo hiểm xã hội bên công ty bán lẻ để lấy lại tiền mà em đã bị trích ra để đóng bảo hiểm trước đó, và bên Công ty sẽ làm thỏa thuận với em, chỉ có em và bên Công ty biết chuyện đó.Vậy luật sư cho em hỏi:

- Khi chuyển nhượng qua công ty B mà công ty bán lẻ vẫn chưa chốt sổ bảo hiểm thì do lỗi bên nào?

 - Nếu em muốn hủy thời gian đóng bảo hiểm bên công ty bán lẻ có được hay không? Em hay công ty bán lẻ có bị vi phạm pháp luật hay không?

- Nếu em muốn kiện công ty bán lẻ thì em cần những giấy tờ và thủ tục gì ? Hiện tại em đã bị mất hợp đồng lao động, bảng lương với bên công ty bán lẻ 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Giải quyết vấn đề chốt sổ bảo hiểm khi công ty nợ tiền BHXH

Do công ty bán lẻ cũ nơi bạn làm việc nợ tiền bảo hiểm xã hội nên không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại mục 2 Công văn 2266/BHXH-BT năm 2013 hướng dẫn giải quyết việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự về kinh tế.

a) Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.

b) Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.

Nếu Công ty cũ không rơi vào các trường hợp trên mà bạn chuyển sang làm việc tại Công ty mới và muốn được tính tiếp thời gian đóng BHXH thì bạn bắt buộc phải chốt sổ bảo hiểm. Trước hết để đảm bảo bạn không bị thiệt thòi về thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014 không được đóng BHXH thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Công ty nộp đủ số tiền BHXH đang nợ cho bạn, nếu Công ty không đồng ý thì bạn có thể làm đơn lên Phòng Lao Động Thương Binh và Xã hội can thiệp đảm bảo quyền lợi cho bạn.

Thứ hai: Về vấn đề hủy thời gian đóng BHXH ở công ty cũ:

Căn cứ vào khoản 5, mục I Công văn 3663/BHXH-THU năm 2014 quy định về việc hủy thời gian đóng BHXH như sau: “Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH Thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của Thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy”.

Theo đó trường hợp của bạn không thuộc diện có thể hủy sổ bảo hiểm. Bạn chỉ có thể liên hệ lại với phía công ty cũ yêu cầu trả sổ BHXH. Trường hợp công ty không giải quyết trả sổ thì bạn có thể khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Thứ ba: Thủ tục khởi kiện khi công ty không chốt sổ BHXH

Khi công ty không thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn thì bạn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện công ty về hành vi này.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP năm 2018: Để thực hiện thủ tục khiếu nại, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu lên ban giám đốc công ty theo quy định tại khoản 1 hoặc khiếu nại lần hai lên Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội theo quy định tại khoản 2.

Trường hợp khiếu nại nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không đảm bảo quyền lợi thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về hồ sơ khởi kiện: Bạn sẽ tiến hành chuẩn bị bộ hồ sơ như sau:

+ Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;

+ Bản sao CMND/CCCD (hoặc hộ chiếu);

+ Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: quyết định chấm dứt HĐLĐ,...

+ Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân,…

+ Các giấy tờ khác (nếu có).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo