Luật sư Đào Quang Vinh

Chống trả người đâm mình có là phòng vệ chính đáng không?

Luật sư tư vấn về vấn đề chống trả lại người vào nhà dùng dao định đâm mình thì có phải là phòng vệ chính đáng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Luật sư cho cháu hỏi ạ. Nhà cháu có 3 người là người khuyết tật, nhưng dạo này có 1 anh đi niền nam về thỉnh thoảng cứ vào nhà cháu chơi. Lúc bình thường không sao. Lúc bình thường cứ vào nhà cháu chưởi tục. 1 hôm cháu thấy anh ấy đang định vào nhà chháu cháu khóa cửa không cho vào. Lúc sau anh ấy đến ngoài cửa kêu cháu mở cửa nhưng cháu k mở. Anh ấy liền chưởi bới cháu. Nhưng cháu không nói lại gì và gia dình cháu cũng vậy. Buổi chiều anh ấy đi đâu về vào nhà cháu. Nhưng cháu không để ý anh ấy vào lúc nào để mà khoa cửa. Anh ấy vào thì cháu ra hỏi ai vậy thì, thì anh ấy thưa tau đây bố đây. Và cháu có bảo anh về đi Sau đó anh ấy tức bảo tau k vào nhà m được à. Cháu bảo không. Sau đó anh ấy chả biết móc đâu da con đao định đâm cháu. Nhưng cháu đỡ được và có đánh lại anh ấy khiến anh ấy bị gãy tay. Thế theo luật sư trường hợp cháu có phải là tự vệ chính đáng không ạ. Mong các luật sư phản hồi ạ.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

 

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Như vậy, khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:

 

Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Trong tình huống của bạn, người kia có ý định dùng dao đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của bạn

 

Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm. Người kia gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.

 

Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích bạn gây ra cho người kia lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.

 

Như vậy, bước đầu có thể thấy rằng bạn đang trong tình thế cần và có quyền phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, Điều 136 Bộ luật quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…”

 

Mức thương tật để phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng ở đây là 31%. Do vậy cần phải giám định mức độ thương tích trước khi có thể đưa ra được kết luận rằng bạn có vượt quá mức độ phòng vệ chính đáng không.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Châm Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169