Chống trả người đâm mình có được coi là phòng vệ chính đáng?
Tới tầm 21h30 chị chồng cháu ra về thì thấy khóa khác và không mở được cổng. Sau đó 2 bên xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Đỉnh điểm là ông hàng xóm về mang 1 con dao phay sang để chém chị chồng cháu. Cũng may là bố chồng cháu có đỡ được. 2 bên xảy ra giằng co nhau con dao. Trong lúc giằng co, ông kia cắn vào tay bố chồng cháu, khiến ông phản xạ và đấm vào mặt ông kia. Chồng cháu giữ 1 tay ông kia để gioằng con dao ra và đã giằng được. Còn ông kia vẫn cắn chặt răng vào tay bố chồng cháu. Chị chồng cháu sau đó có lấy được 1 cây gậy nhỏ và đập vào lưng ông kia. Sau 1 hồi thì ông kia mới chịu nhả răng ra. Sau đó 2 bên gia đình có báo 113. Vấn đề được giải quyết từ phường rồi lên quận. Phía công an báo cho bên gia đình nhà cháu là ông kia có tỷ lệ thương tật là 17%. Và CA cũng khuyên gia đình nên giải quyết hòa giải. Phía bên nhà cháu đồng ý đưa cho ông kia 5 triệu coi như là viện phí, bởi gia đình cháu biết trong chuyện này cả 2 bên đều sai. Nhưng ông kia đòi gia đình cháu bồi thường 50 triệu. Và gia đình cháu không đồng ý.Thời gian tới thì 2 gia đình sẽ gặp nhau tại tòa án để tòa giải quyết . Cháu xin hỏi các Quý Luật Sư là hành động của gia đình cháu như vậy có được coi là tự vệ chính đáng không ạ? Và phía bên gia đình cháu có lợi thế và bất lợi gì khi ra tòa ạ? Cháu mong sớm nhận được phản hổi từ Quý Luật Sư. Cháu xin chân thành cảm ơn ạ.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo tình huống bạn đưa ra, ông hàng xóm (ông A) mang 1 con dao phay sang để chém chị chồng bạn (chị B), cắn vào tay bố chồng bạn (ông C) và việc ông C đấm vào mặt ông A, chị B dùng 1 cây gậy nhỏ đập vào lưng ông A để chống trả là cách chị B và ông C có thể làm để bảo vệ bản thân. Sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết. Theo Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định Phòng vệ chính đáng như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, bước đầu có thể thấy rằng chị B và ông C đang trong tình thế cần và có quyền phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức độ thương tật để phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng ở đây là 31%. Do vậy cần phải giám định mức độ thương tích trước khi có thể đưa ra được kết luận rằng bạn có vượt quá mức độ phòng vệ chính đáng không. Phía công an báo cho bên gia đình bạn là ông A có tỷ lệ thương tật là 17%. Việc xác định này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, cũng với việc thu thập các chứng cứ chứng minh của cơ quan có thẩm quyền. Nếu hành vi của chị B và ông C là phòng vệ chính đáng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, phía bên gia đình bạn đã đồng ý bồi thường cho ông A 5 triệu tiền viện phí. Nhưng ông A đòi phải bồi thường 50 triệu. Dựa trên kết quả điều tra, chứng cứ chứng minh yếu tố lỗi, thiệt hại của từng bên để đưa ra mức chi phí hợp lí cho hai bên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Phương Thảo - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất