Cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật hiện hành?
Nội dung tư vấn: Kính gửi Công ty Luật Minh Gia: Cách đây mấy tháng, tôi có vay một người cùng xóm 100.000.000 đồng. Khi vay họ nói là cho vay giúp để gia đình tôi giải quyết khó khăn trước mắt, hẹn trong vòng 1 tháng tôi phải trả nhưng đến hẹn tôi vẫn chưa có trả, vợ chồng tôi đã đến nhà khất nợ; họ nhất trí cho gia hạn đến khi tôi vay được ngân hàng sẽ trả . Sau hai ngày họ đưa đến một tờ giấy kê số tiền lãi suất từ ngày tôi vay với lãi suất cao: 4000 đồng/ 1 ngày/ 1000000 đồng và yêu cầu tôi viết giấy cam kết trả theo lãi suất kể trên. Tôi không viết nên 2 ngày sau họ gọi thêm 5 người lạ mặt xông vào nhà tôi bắt ép chúng tôi trả tiền, còn dọa nếu không trả tiền thì sẽ giết cả nhà; sau đó họ đánh đập vợ chồng tôi, buộc tôi phải gọi Công an đến can thiệp; ngoài ra họ còn vu khống cho vợ chồng tôi ăn cắp điện thoại di động.... Hỏi hành động của họ như vậy thì phạm vào tội gì? Vợ chồng tôi quá hạn trả nợ thì phạm vào tội gì? Xin Công ty Luật Minh Gia tư vấn giùm. Xin trân trọng cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
..."
Như vậy, lãi suất sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Bên cạnh đó, về tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tại Điều 201 có quy định như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, chỉ khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì mới cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự. Và cụ thể trong trường hợp của bạn, mức lãi suất của bạn hiện nay là 4000 đồng/ngày/1.000.000 đồng, tức là với lãi suất một tháng của bạn là 12% trong khi mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định hiện nay là 1,67%/tháng. Có thể hiểu rằng bên cho vay đã cho bạn vay với mức lãi suất cao hơn mức mà pháp luật quy định gấp 5 lần nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện bên cho vay thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Do đó, căn cứ thông tin bạn cung cấp chưa rõ bên cho vay đã thu lợi bất chính bao nhiêu tiền, nên chúng tôi không thể xác định chính xác hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Cũng theo như thông tin bạn đưa ra thì bên cho vay đã có hành vi xông vào nhà bắt ép bạn trả tiền, dọa nếu không trả tiền thì sẽ giết cả nhà; sau đó họ đánh đập vợ chồng bạn; ngoài ra họ còn vu khống cho vợ chồng bạn ăn cắp điện thoại di động.... Với những hành vi này thì bên cho vay có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội dưới đây theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017):
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
...”
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
...”
Vợ chồng bạn quá hạn trả nợ thì không phạm vào tội nào theo quy định của Bộ luật Hình sự mà hai vợ chồng chỉ có trách nhiệm dân sự được đặt ra ở đây là phải trả lại tiền đã vay cho bên cho vay. Trường hợp bên cho vay khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép, phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất