Lại Thị Nhật Lệ

Chế tài là gì theo quy định pháp luật

Trong xã hội có nhiều quy phạm xã hội khác nhau cùng được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội như quy phạm đạo đức, quy phạm tập quán, quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, quy phạm tôn giáo,…Các quy phạm xã hội khác nhau thì có những đặc tính khác nhau, nhưng luôn có liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, chế tài là một trong những bộ phận để hình thành nên quy phạm pháp luật. Vậy để hiểu rõ chế tài là gì thì các bạn có thể tham khảo bài viết sau của luật Minh Gia.

1. Khái niệm chế tài

Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật quy định các biện pháp cưỡng chế mang tính chất trừng phạt mà nhà nước dự kiến có thể áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những mệnh lệnh đã được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

Chế tài là một trong những biện pháp quan trọng để bảo đảm cho các quy định (những đòi hỏi, yêu cầu) của pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Do vậy, nếu các biện pháp trong chế tài được quy định không phù hợp (chẳng hạn quá nặng hoặc quá nhẹ,…) thì tác dụng răn đe, trừng phạt của chúng sẽ kém phát huy hiệu quả.

Bộ phận chế tài của quy phạm có thể cố định hoặc không cố định. Chế tài cố định là chế tài trong đó nêu chính xác, cụ thể biện pháp tác động sẽ áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, chế tài không cố định là chế tài nêu lên nhiều biện pháp tác động (không nêu biện pháp tác động một cách chính xác, cụ thể, dứt khoát hoặc chỉ quy định mức thấp nhất và mức cao nhất của biện pháp tác động). Việc áp dụng biện pháp nào, mức độ bao nhiêu là do chủ thể có thẩm quyền áp dụng quy phạm lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng vụ việc cần áp dụng.

2. Những loại chế tài thường gặp

Chế tài dân sự: Chế tài dân sự thường đa dạng, có nhiều hậu quả pháp lý khác nhau cho từng hành vi tương ứng. Chế tài dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng cho người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự. Các chế tài trong dân sự đa phần mang tính vật chất, liên quan đến tài sản. Ngoài ra có các trường hợp xâm phạm khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Các chế tài dân sự thường được áp dụng là: Bồi thường thiệt hại, buộc sửa chữa, khôi phục tình trạng ban đầu, chấm dứt hành vi vi phạm,…

Chế tài hình sự: Chế tài hình sự là bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật hình sự, là hậu quả về pháp lý khi chủ thể vi phạm những điều được quy định trong luật hình sự. Chế tài hình sự được áp dụng phụ thuộc vào mức độ thiệt hại mà hành vi mang lại cho cá nhân hoặc tổ chức khác.

Chế tài hành chính: Chế tài hành chính là hậu quả pháp lý khi chủ thể vi phạm quy định trong pháp luật về hành chính. Là bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính (giả định, quy định, chế tài) xác định biện pháp xử lý của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Các chế tài hành chính nhằm ngoài việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật mà còn ngăn chặn những hành vi nguy hiểm có thể xảy ra.

Chế tài thương mại: Chế tài thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại. Là hậu quả được áp dụng cho bên vi phạm những điều được quy định trong luật thương mại, khi có các hành vi vi phạm xảy ra trong giao kết hoặc thực hiện hợp đồng thương mại. Chế tài này còn được gọi là chế tài hợp đồng.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169