Vũ Thanh Thủy

Chế độ thai sản cho lao động nữ sẩy thai

Em đã tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 4 năm 2015, vừa rồi ngày 22 tháng 8 em bị sinh non ở tuần thứ 25 và em bé đã mất. Vậy cho em hỏi em có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản không ? Nếu có thì thủ tục như thế nào?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006: Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định: “Đối tượng áp dụng chế độ thai sản
 
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này.”
 
Điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 :” Đối tượng áp dụng
 
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;”
 
Điều kiện được hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006:  “Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;..”
 
Trong thời gian lao động, người sử dụng lao động phải tôn trọng quyền được đi khám thai và bồi dưỡng sức khỏe của lao động nữ. Khi lao động nữ không may mắn bị sảy thai pháp luật cũng có quy định về tiền trợ cấp và chế độ nghỉ ngơi và dưỡng sức.
 
Bạn tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 4 năm 2015 như vậy đến ngày 22 tháng 8 năm 2015 đã có hơn ba tháng đóng bảo hiểm và làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ ba tháng. Do vậy, bạn là lao động đủ điều kiện được xét hưởng chế độ thai sản.
 
Về thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức được hưởng theo chế độ thai sản
 
Pháp luật quy định riêng chế độ cho lao động nữ sẩy thai tại Điều 30 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006: “Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu
 
Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên.”
 
Pháp luật cho phép bạn được hưởng chế độ thai sản nghỉ ngơi 20 ngày (tính cả vào ngày nghỉ lễ, Tết ngày nghỉ hàng tuần) trước khi đi làm. Sau hai mươi ngày nghỉ nếu thấy sức khỏe làm việc không đảm bảo thì trong hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu đi làm có thể tiếp tục xin nghỉ từ năm đến mười ngày nữa theo quy định tại Mục 3 bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ tại thông tư 19 /2008/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh xã hội: “Trong khoảng thời gian 30 ngày, tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội ... mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.”
 
Điều 17 Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: “Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản theo khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
 
1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
 
2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;
b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
 
Chế độ hưởng thai sản về thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức của bạn có thể lên đến tối đa 30 ngày nếu sảy thai sinh một lần trên hai con, 27 ngày nếu phải phẫu thuật và 25 ngày đối với các trường hợp khác. Trong đó 20 ngày nghỉ đầu là quyền lợi chính đáng của bạn, còn các ngày nghỉ thêm là tùy bạn yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu đi làm lại nếu cảm thấy sức khỏe còn yếu chưa thể trở lại làm việc. Số ngày nghỉ được tính cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
 
Về tiền trợ cấp được hưởng theo chế độ thai sản
 
Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản
 
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
 
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
 
Điều 16 Nghị định 152/2006/NĐ-CP: “ Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản theo khoản 1 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
 
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai theo quy định tại các Điều 29, 30 và Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.”
 
Trước tiên bạn sẽ nhận được 100% tiền lương bình quân 3 tháng làm việc trước đó, không có nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Trong thời gian năm đến mười ngày dưỡng sức phục hồi sức khỏe được yêu cầu sau 20 ngày nghỉ đầu tiên bạn được nhận thêm mỗi ngày nghỉ phụ cấp bằng 25% hoặc 40% mức lương tối thiểu chung căn cứ theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 152/2006/NĐ-CP:
 
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:
 
a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;
b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.”
 
Mức lương tối thiểu chung tại thông tư 07/2013/TT-BNV của Bộ nội vụ là 1.150.000 nghìn đồng.
 
Như vậy trong hai mươi ngày nghỉ theo chế độ chung bạn được trợ cấp 100% bình quân tiền lương ba tháng đầu làm việc. Tới thời gian nghỉ dưỡng phục hồi bạn được hưởng thêm 287.500 nghìn đồng một ngày nếu nghỉ dưỡng tại nhà hoặc 460.000 nghìn đồng một ngày nếu nghỉ dưỡng tại cơ sở tập trung (bệnh viện, bệnh xá, …).
 
Về thủ tục xin nhận hưởng chế độ thai sản
 
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm:
 
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
 
+ Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; .
 
+ Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.
 
+ Danh sách người hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
 
Trước nhất bạn cần thông báo với người sử dụng lao động để được bổ sung danh sách lao động hưởng chế độ thai sản và yêu cầu người sử dụng lao động ký giấy xác nhận về điều kiện làm việc khó khăn (nếu có) theo quy định pháp luật hoặc thiệt thòi về thể chất (nếu có). Những thông tin này có thể bổ sung thêm mức trợ cấp và chế độ cho bạn.

Sau đó bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sổ bảo hiểm, giấy xác nhận của bệnh viện theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm xã hội. Bạn nộp đầy đủ giấy tờ tới tổ chức bảo hiểm xã hội. Sau ba ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ người sử dụng lao động của bạn có trách nghiệm phải giải quyết. Tổ chức bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ phải quyết toán trong thời hạn mười năm ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chế độ thai sản cho lao động nữ sẩy thai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV Nguyễn Tuấn Hải – Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo